Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi vừa áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vừa trùng với thời điểm sáp nhập tỉnh. Việc đối sánh song song theo đơn vị hành chính cũ và mới là cần thiết để phân định rõ tác động của kỳ thi và của sáp nhập.
Từ đó nhận diện đúng thực trạng, làm cơ sở cải tiến chất lượng giáo dục bền vững thời gian tới.
Bài viết sẽ đưa ra 2 loại đối sánh. Trước hết, giữ nguyên đơn vị hành chính cũ phân tích giúp duy trì tính liên tục của chuỗi dữ liệu. Suốt nhiều năm, kết quả thi tốt nghiệp THPT được đối sánh theo 63 tỉnh, thành. Nếu thay đổi ngay sau sáp nhập, dữ liệu sẽ bị đứt đoạn, gây khó khăn trong việc so sánh, đánh giá xu hướng. Để phân tích chính xác tác động của kỳ thi đổi mới năm 2025, cần đối chiếu với số liệu năm 2024 trên cùng hệ quy chiếu. Tiếp đến là bước đối sánh 34 tỉnh, thành mới. Việc đối sánh không nhằm thi đua hay khen thưởng mà là hệ thống chỉ báo khách quan giúp địa phương, nhà trường nhận diện rõ thực trạng, từ đó điều chỉnh chính sách và phương pháp phù hợp.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
ẢNH: NHẬT THỊNH
Điểm trung bình năm 2025 giảm, nhiều thay đổi lớn về thứ hạng
Theo Bộ GD-ĐT, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt 6,172, giảm 0,578 điểm so với năm 2024 (6,750). Tất cả 63 tỉnh, thành (cũ) đều giảm điểm, trong đó nhiều địa phương giảm mạnh như Ninh Bình (giảm 0,983 điểm), Vĩnh Long (0,947), Sơn La (0,917), Bắc Ninh (0,901), Bình Dương (0,840), An Giang (0,808), Nam Định (0,807). Đây đều là những tỉnh từng có thành tích cao nhưng có thể đang gặp khó trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 một cách đồng bộ. Ngược lại, một số địa phương giảm điểm ít hơn như Quảng Trị (0,175), Quảng Nam (0,364), Nghệ An (0,370), Hà Nội (0,375).
Việc điểm trung bình giảm không phản ánh sự đi xuống về chất lượng giáo dục, mà chủ yếu do đề thi 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực thật, tăng cường phân hóa, hạn chế tình trạng “mưa điểm cao”. Môn toán có điểm trung bình thấp nhất (4,78), kéo giảm điểm chung toàn quốc, nhưng vẫn có 513 bài thi đạt điểm 10, cho thấy đề thi vẫn tạo điều kiện để học sinh (HS) giỏi tỏa sáng.
Dựa trên dữ liệu điểm trung bình của Bộ GD-ĐT, bảng xếp hạng các địa phương (cũ) năm 2025 ghi nhận nhiều thay đổi lớn. Vĩnh Phúc giữ vững ngôi đầu cả 2 năm. Một số tỉnh tăng hạng rõ rệt như Quảng Trị (tăng 34 bậc), Quảng Nam (24), Hậu Giang (17), Hà Nội (15), Cà Mau (14), Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế (cùng 10 bậc), Quảng Ninh (8), Hưng Yên (7). Ở chiều ngược lại, nhiều địa phương tụt sâu như Vĩnh Long (29 bậc), Hòa Bình (19), Lâm Đồng (12), Kon Tum (11), Sơn La và Yên Bái (10), Đà Nẵng, Trà Vinh, Bắc Ninh, An Giang (cùng 9 bậc).
Các chuyên gia giáo dục cho rằng sự biến động này chịu ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: xu hướng HS vùng khó chuyển từ ngoại ngữ sang các môn có phổ điểm cao hơn; lựa chọn môn thi phù hợp sở trường; chính sách tuyển sinh ĐH không xét tuyển sớm, xét điểm học bạ phải có điểm học kỳ 2 lớp 12; và mức độ thích ứng khác nhau với Chương trình GDPT 2018 cùng cách kiểm tra – đánh giá năng lực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đánh dấu bước chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực HS. Kỳ thi có 3 mục tiêu chính: xét tốt nghiệp THPT; cung cấp dữ liệu tin cậy cho cơ sở giáo dục ĐH, nghề nghiệp tuyển sinh; và làm một trong các căn cứ đánh giá chất lượng dạy học. Như vậy, kết quả kỳ thi không là tiêu chí duy nhất phản ánh chất lượng giáo dục, mà cần kết hợp với các yếu tố khác như đội ngũ giáo viên, điều kiện dạy học, môi trường học tập…
Trên cơ sở trung bình điểm thi, chúng tôi sắp xếp các địa phương từ cao đến thấp và tạm chia ra 3 nhóm: 20 địa phương top đầu, 23 địa phương top giữa và 20 địa phương top cuối. Đây là những chỉ báo giúp các địa phương xác định vị trí của mình đang ở đâu, từ đó có giải pháp để cải thiện chất lượng.
20 ĐỊA PHƯƠNG TOP ĐẦU, 23 GIỮA, 20 CUỐI TRUNG BÌNH ĐIỂM THI
Đáng chú ý trong nhóm dẫn đầu là sự xuất hiện của các địa phương mới như Nghệ An, Hải Dương và Hà Nội trong top 10. Vĩnh Phúc tiếp tục giữ phong độ ấn tượng với 6 năm liên tục tăng hạng, từ vị trí 9 (năm 2020) lên vị trí số 1 trong 3 năm gần đây.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD-ĐT và tính toán của tác giả
Nghệ An, tỉnh có 11 huyện miền núi, vươn lên mạnh mẽ từ hạng 38 (năm 2020) lên hạng 12 (năm 2024) và hạng 2 (năm 2025). Hải Dương tiến đều, từ hạng 13 (2024) lên hạng 8 (2025). Hà Nội bứt phá từ hạng 22 năm 2024 lên hạng 7 năm 2025, nhờ có 43% HS không thi ngoại ngữ và chọn đúng các môn xét tuyển ĐH. Như vậy, kỳ thi 2025 đã tạo điều kiện cho cả địa phương khó khăn lẫn thuận lợi có cơ hội cải thiện vị trí, nếu biết đáp ứng hiệu quả chương trình GDPT 2018 và đổi mới kiểm tra theo đánh giá năng lực, gắn với thực tiễn và không bám sát sách giáo khoa.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD-ĐT và tính toán của tác giả
Trong nhóm 23 địa phương top giữa có một số địa phương thứ hạng tiến bộ vượt bậc, như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ninh…

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD-ĐT và tính toán của tác giả
Trong 20 top cuối hầu hết là các địa phương miền núi phía bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, có một số địa phương thuận lợi nhưng thứ hạng giảm sâu, như Đà Nẵng từ thứ hạng 45 năm 2024 xuống 54 năm 2025, Vĩnh Long từ 16 xuống 45 và Đồng Nai từ 41 xuống 49.
Đối sánh trung bình điểm thi của 34 tỉnh, thành mới
Dựa trên số liệu của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xếp hạng 34 tỉnh, thành phố mới theo điểm trung bình. Kết quả cho thấy 17 địa phương có điểm trung bình trên 6,0 và 17 địa phương dưới 6,0.
Nhóm top đầu gồm: Nghệ An (1), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (3), Phú Thọ (4), Hà Nội (5), Hải Phòng (6), Thanh Hóa (7), TP.HCM (8), TP.Huế (9), Bắc Ninh (10). Trong khi đó, 10 địa phương cuối bảng gồm: Quảng Ngãi (25), Lào Cai (26), Khánh Hòa (27), Tuyên Quang (28), Lạng Sơn (29), Điện Biên (30), Đắk Lắk (31), Lai Châu (32), Cao Bằng (33), Sơn La (34). Các địa phương Bắc Trung bộ cho thấy tiến bộ rõ rệt, còn các địa phương vùng núi phía bắc vẫn còn nhiều khó khăn.

Nguồn: số liệu công bố của Bộ GD-ĐT và tính toán của tác giả
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy bước chuyển tích cực trong đánh giá: số bài thi đạt điểm 10 tăng, mức độ phân hóa cao hơn, phản ánh sát thực chất lượng dạy – học. Đặc biệt, với các tỉnh mới sau sáp nhập, bảng xếp hạng 34 địa phương năm nay là khởi đầu cho chuỗi đối sánh liên tục sau này, góp phần nhận diện sâu hơn trình độ từng vùng, làm cơ sở xây dựng chính sách phát triển bền vững.
Dữ liệu đối sánh còn phản ánh điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018 như đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và hiệu quả chính sách hỗ trợ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.