Sau khi ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo phòng chuyên môn nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và cho rằng cần thực hiện ngay quy định này.

Các trường đồng tình và đưa ra giải pháp để giúp học sinh không sử dụng điện thoại trong trường học
ẢNH: BÍCH THANH
Cần làm ngay để bảo vệ quyền trẻ em
Một trong những chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khi họp với các phòng ban chuyên môn là đề nghị Phòng Học sinh-sinh viên nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường (trừ trường hợp được giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ phục vụ trong giờ học).
Chỉ đạo này đã nhận được sự quan tâm các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh; trong đó nhiều ý kiến cho rằng cần làm ngay để bảo vệ quyền trẻ em.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành (Q.1 cũ), TP.HCM, cho rằng cấm học sinh sử dụng điện thoại di động là một quyết định hợp lý.
Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới ban hành lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường, bao gồm cả giờ học và giờ chơi. Các nền giáo dục phát triển đều đang nhìn thấy mặt trái của việc trẻ em quá lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Đó không còn là một trào lưu nhất thời mà đang dần trở thành một xu hướng giáo dục bền vững: đặt sức khỏe tinh thần, sự phát triển toàn diện và tính nhân bản lên hàng đầu.
Theo ông Phú, cấm sử dụng điện thoại trong nhà trường còn nhận được sự đồng tình tuyệt đại đa số từ phụ huynh bởi con cái họ cần được lớn lên trong môi trường học tập lành mạnh, không bị công nghệ chi phối mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là khi các em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang xây dựng và thực hiện mô hình trường học hạnh phúc nên cũng cần có những nguyên tắc sư phạm thuộc phạm trù kỷ luật nhưng phải đầy nhân văn. Khi trường học cho phép học sinh tự do sử dụng điện thoại, sẽ vô hình trung tạo ra một “vùng nhiễu sóng” không dễ kiểm soát: học sinh mất tập trung, gian lận trong kiểm tra, xem nội dung không phù hợp, bị bắt nạt qua mạng và thậm chí sống lệch chuẩn vì chạy theo hình mẫu ảo trên mạng xã hội.

Theo các giáo viên, không sử dụng điện thoại, học sinh sẽ gia tăng sự tập trung và hiệu quả học tập
ẢNH: Đ.N.T
Thăm dò ý kiến
TP.HCM đề xuất cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường học
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Những lợi ích từ việc cấm sử dụng điện thoại
Ông Huỳnh Thanh Phú dẫn ra những lợi ích khi cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường.
Theo ông Phú, trước hết là gia tăng sự tập trung và hiệu quả học tập. “Khi không còn tiếng chuông, tin nhắn hay các trò chơi hấp dẫn từ điện thoại chen vào từng tiết học, học sinh có khả năng chú ý sâu hơn vào bài giảng, thầy cô cũng yên tâm dạy học, không phải liên tục nhắc nhở”, ông Phú phân tích.
Kế đến là giảm tình trạng gian lận thi cử. Khi điện thoại không còn hiện diện, gian lận sẽ khó khăn hơn, từ đó xây dựng được một văn hóa thi cử trung thực, công bằng.
Cấm sử dụng điện thoại trong nhà trường cũng nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Ông Phú cho biết: “Nhìn học sinh ngày càng gù lưng, cận thị, đau vai cổ vì cúi đầu vào màn hình, người lớn không thể không giật mình. Nhiều em còn rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, rối loạn hành vi chỉ vì lệ thuộc điện thoại. Cấm điện thoại chính là một bước chủ động giữ gìn sức khỏe học đường”.
Hạn chế bạo lực học đường và bắt nạt qua mạng. Rất nhiều video đánh nhau bị quay lại và lan truyền trong trường học là từ điện thoại học sinh. Cũng từ đây, nhiều em bị bêu riếu, nhục mạ, dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Khi điện thoại không còn dễ dàng trong tay các em, bạo lực mạng cũng giảm.
Đây cũng là dịp để tăng cường kỹ năng giao tiếp trực tiếp. Một nghịch lý hiện đại, càng nhiều công cụ kết nối, con người càng cô lập. Nhiều học sinh giao tiếp kém, không biết lắng nghe hay phản hồi vì quen gõ phím thay vì trò chuyện. Loại bỏ điện thoại khỏi giờ học, các em buộc phải trò chuyện, thấu cảm và chia sẻ bằng ánh mắt, lời nói thật lòng. Từ đó tăng cường sự kết nối giữa học sinh với thầy cô và bạn bè. Những giờ ra chơi không còn là thời gian ngồi im lặng với điện thoại, mà là lúc nô đùa, kể chuyện, chia sẻ niềm vui học đường.
Thúc đẩy sự bình đẳng trong lớp học. Điện thoại tạo ra một khoảng cách rõ rệt giữa học sinh có điều kiện và học sinh không có điều kiện. Em dùng iPhone đời mới dễ trở thành trung tâm, còn em dùng máy cũ thì tự ti, bị chế giễu. Khi mọi em đều không dùng điện thoại, sự bình đẳng được tái lập.
Tăng cường kỷ luật và tính tự chủ. Một môi trường có quy tắc, có giới hạn là môi trường giúp trẻ biết tôn trọng và tự điều chỉnh. Không điện thoại, học sinh sẽ rèn luyện khả năng kiềm chế ham muốn, lên kế hoạch thời gian và tự giác hơn trong học tập, những phẩm chất cốt lõi của một công dân tương lai.
Tạo điều kiện cho thầy cô dạy học hiệu quả hơn. Giáo viên không còn phải lo đối phó với những ánh mắt cúi xuống, tai nghe giấu dưới tóc hay tin nhắn giữa giờ học. Từ đó, tăng chất lượng truyền đạt và tương tác hai chiều giữa thầy – trò.
Xây dựng thói quen sống thật. Hiện nay “sống ảo” đang làm nhiều học sinh ngộ nhận về giá trị bản thân, chỉ sống vì lượt “like” và “comment”. Trường học cần giúp các em quay về với giá trị thật: học thật, chơi thật, sống thật.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên phổ thông dù đồng tình với việc cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng vẫn băn khoăn liệu điều này có đi ngược với xu thế công nghệ số.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú cho rằng giáo dục số không đồng nghĩa với việc để học sinh nghiện điện thoại. Khi cần sử dụng công nghệ, nhà trường vẫn có thể tổ chức lớp học tin học, thực hành với máy tính, dùng màn hình thông minh để trình chiếu bài giảng, nhưng mọi thứ phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu.

Các nhà trường cần tổ chức các hoạt động trong giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết
ảnh: Thúy Hằng
Thay thế điện thoại bằng trải nghiệm thật
Cũng trong chỉ đạo về việc xây dựng phương án cấm học sinh sử dụng điện thoại, ông Nguyễn Văn Hiếu có yêu cầu phòng chuyên môn tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động trong giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao để học sinh rèn luyện sức khỏe.
Với chỉ đạo trên, một giáo viên THPT tại P.Bình Thới (Q.11 cũ), TP.HCM, ý kiến rằng trường học cần tổ chức lại môi trường học đường giàu trải nghiệm và cảm xúc.
Chẳng hạn như CLB bóng đá tổ chức giải thi đấu; CLB cầu lông tổ chức các màn tranh tài, các giải thi đấu đá cầu, cầu lông; hay CLB văn nghệ tổ chức các tiết mục nhảy flasmob… Thay vì lướt điện thoại trong lớp học, các em sẽ ngập tràn tiếng cười khi tham gia các hoạt động của CLB.
Ngoài ra, thư viện đầu tư sách truyện phù hợp với lứa tuổi, xây góc đọc mở, khuyến khích học sinh viết cảm nhận; Cải tạo sân trường thành không gian học tập, vận động: lắp bàn cờ, thiết bị thể dục, bóng bàn, bi lắc… Phòng thể thao học đường cho học sinh được rèn luyện thể chất đúng kỹ thuật…
Giáo viên này cũng đề xuất nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm như tham quan doanh nghiệp, học làm nông, kỹ năng sinh tồn, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học)… Các phòng khởi nghiệp học đường thực hiện dự án nhỏ để học sinh thử nghiệm ý tưởng, học cách quản lý.
“Những không gian và hoạt động ấy không chỉ lấp đầy thời gian trống không điện thoại, mà còn mở ra cánh cửa kỹ năng, tình bạn, và ước mơ cho mỗi học trò”, thầy giáo tại P.Bình Thới (TP.HCM) nhận định.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.