Hàng trăm học sinh tại vùng biên giới Kon Tum (cũ), nay là Quảng Ngãi, phải học tập trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Nhiều năm qua, thầy trò Trường tiểu học – THCS xã Đăk Plô (trước đây thuộc H.Đăk Glei, Kon Tum; nay thuộc xã Đăk Plô, Quảng Ngãi) đang phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn trăm bề.

Trường học bị thấm dột, ẩm mốc gây ảnh hưởng đến việc dạy và học
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Nhà trường có 3 điểm trường với tổng cộng 15 phòng học. Trong đó có 6 phòng kiên cố được xây từ năm 2009. Còn lại 9 phòng được xây dựng từ những năm 1997, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Có những dãy phòng học và phòng công vụ ở điểm trường Bung Tôn đã mục nát, mái dột, vách tường nứt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Trường có 24 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cũng đang sinh hoạt trong những phòng tạm bợ, nhiều thiếu thốn. Nơi làm việc của cán bộ quản lý và các phòng chức năng như: hoạt động Đội, thư viện, tin học… đều đã xuống cấp.
Tại điểm trường Peng Lang, lớp 5 do thầy A Dẳng phụ trách có 35 học sinh (HS) học trong căn phòng chỉ khoảng 20 m². Không có phòng bán trú, nhiều em phải ngủ gục trên bàn học sau bữa trưa. Một số em vì nhà xa, ngại quay lại lớp vào buổi chiều, đặc biệt trong mùa mưa.
“Không có chỗ nghỉ trưa khiến việc học buổi chiều giảm hiệu quả. Là người vừa làm thầy, vừa là phụ huynh có con học ở trường, tôi thấy việc có nơi ở bán trú cho HS là vô cùng cần thiết”, thầy Dẳng chia sẻ.
Ông Đặng Quốc Vũ, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS xã Đăk Plô, cho biết trường không có thư viện, không có nhà đa năng, thiếu cả phòng học bộ môn. Nhà ăn cho HS bán trú chỉ phục vụ được 50 em mỗi lượt, các em còn lại phải ăn chia ca, chờ đến lượt nghỉ trưa.
Tình trạng này càng trở nên cấp bách khi từ năm học 2025 – 2026 sắp đến, nhà trường sẽ tiếp nhận HS từ 3 xã Đăk Plô, Đăk Nhoong và Đăk Man sau khi sáp nhập. Số lượng HS tăng trong khi cơ sở vật chất hiện tại không đáp ứng nổi.
“Chúng tôi rất mong được đầu tư xây mới, nâng cấp phòng học, ký túc xá HS, trang thiết bị dạy học, bàn ghế, hệ thống điện, nước”, ông Vũ nói thêm.
Tương tự, Trường tiểu học – THCS xã Xốp (trước đây thuộc H.Đăk Glei, Kon Tum; nay thuộc xã Xốp, Quảng Ngãi) cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Trường có 384 HS, trong đó hơn 200 em ở cách trường từ 5 – 10 km. Theo quy định, để đảm bảo học tập 2 buổi/ngày, số HS này được hưởng chế độ bán trú.

Sau nhiều năm sử dụng, Trường tiểu học – THCS xã Đăk Plô đã xuống cấp nghiêm trọng
ảnh: Đức Nhật
Nhà trường đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp nhưng cũng chỉ xây tạm được một nhà ăn nhỏ, mỗi lượt chỉ đủ chỗ cho khoảng 100 em. Những em còn lại phải chờ đến lượt, chia ca ăn uống, rồi vội vàng trở lại lớp học. Sau bữa cơm trưa, không có phòng ở bán trú, nhiều em ngủ gục ngay trên bàn học hoặc chơi đùa trong sân trường chờ đến giờ vào lớp chiều.
Ông Trần Ngọc Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS xã Xốp, cho biết cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp nghiêm trọng khi 8/21 phòng học có tường nứt, mái thấm dột, bàn ghế xiêu vẹo. Trường thiếu phòng học bộ môn, không có nhà đa năng, sân chơi, thư viện hay phòng tư vấn học đường. Các hoạt động giáo dục toàn diện gần như không thể triển khai.
“Nếu trời mưa, mọi hoạt động đều phải dừng lại. Thiếu thốn như vậy rất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, ông Mạnh nói.
Hơn 30 cán bộ, giáo viên của trường phải di chuyển từ 20 đến hơn 100 km để đến lớp dạy học. Nhà công vụ chỉ đủ chỗ ở cho 12 người, số còn lại phải thuê trọ với điều kiện tạm bợ. Trường cũng chưa có hệ thống nước sạch ổn định, mùa khô phải dùng nước ao không đảm bảo vệ sinh.
“Chúng tôi chỉ mong có một ngôi trường kiên cố hơn, có chỗ ăn, ở cho HS. Đó là nền tảng để duy trì việc học và giúp các em có cơ hội vươn lên”, ông Mạnh bày tỏ.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, hiện 2 trường học nói trên xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Việc xây mới trường để phục vụ nhu cầu sử dụng của giáo viên, HS trong năm học mới là rất cấp thiết. Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiến hành khảo sát và triển khai xây mới đối với 2 ngôi trường này.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.