Học sinh chế tạo thiết bị cảnh báo thiên tai

Trước thực trạng động đất, lũ lụt, sạt lở xảy ra ngày càng thường xuyên tại Kon Tum (cũ), nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi, 3 học sinh THCS đã nghiên cứu và chế tạo thành công một thiết bị cảnh báo thiên tai giá rẻ, dễ triển khai và có tính ứng dụng cao.

CẢNH BÁO SỚM, GIẢM THIỂU RỦI RO

Những năm gần đây, do hoạt động tích – xả nước của các thủy điện lớn, phía tây Quảng Ngãi liên tục ghi nhận các trận động đất, nhiều lần là tâm chấn. Động đất gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, khiến người dân vùng ảnh hưởng luôn sống trong lo lắng. Mỗi mùa mưa bão, tình trạng sạt lở đất cũng diễn biến phức tạp, đe dọa an toàn tính mạng người dân vùng cao.

Học sinh chế tạo thiết bị cảnh báo thiên tai - Ảnh 1.

Thiện Nhân, Bình Minh và Minh Hiếu (từ trái qua) cùng mô phỏng hệ thống cảnh báo sạt lở, lũ lụt và động đất

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Từ thực tế đó, 3 học sinh Nguyễn Cao Thiện Nhân (lớp 8 Sinh Tồn), Thái Bình Minh (lớp 7 Vân Đồn) và Ngô Nguyễn Minh Hiếu (lớp 8 Phú Quý) của Trường THCS-THPT Liên Việt (trước đây thuộc P.Lê Lợi, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum; nay thuộc P.Đăk Bla, tỉnh Quảng Ngãi) đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo một hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.

“Không chỉ ở Kon Tum (cũ) mà nhiều nơi khác trên cả nước cũng hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai. Nếu có cảnh báo kịp thời, nhiều thiệt hại có thể tránh được. Chúng em hy vọng thiết bị này sẽ giúp người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro”, Thiện Nhân chia sẻ.

Thiết bị sử dụng mạch vi điều khiển micro:bit làm bộ xử lý trung tâm, kết hợp với các cảm biến đo độ ẩm, rung chấn, mực nước, nhiệt độ và áp suất không khí. Thông qua công nghệ internet vạn vật (IoT), thiết bị sẽ gửi cảnh báo đến người dùng qua tin nhắn SMS, âm thanh và đèn LED.

Cụ thể, nếu cảm biến phát hiện độ ẩm đất vượt ngưỡng 80%, dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, còi hú sẽ vang lên và đồng thời tin nhắn cảnh báo được gửi đến người dùng sau vài giây. Khi ghi nhận rung chấn lớn hơn 3G hoặc mực nước dâng nhanh trong vòng 10 phút, hệ thống sẽ kích hoạt đèn cảnh báo nhấp nháy liên tục.

“Khi cảm biến phát hiện thông số vượt ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ đồng thời phát còi hú, bật đèn báo động và gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân và cơ quan chức năng chỉ trong tích tắc”, Minh Hiếu cho biết.

Học sinh chế tạo thiết bị cảnh báo thiên tai - Ảnh 2.

Phía tây Quảng Ngãi là địa bàn thường xuyên xảy ra động đất, sạt lở

ẢNH: ĐỨC NHẬT

GIÁ THÀNH THẤP, DỄ TRIỂN KHAI

Theo các thành viên nhóm, công đoạn lập trình kết nối micro:bit với internet là thử thách lớn nhất, đòi hỏi nhiều kiến thức và thực hành. Mỗi lần gặp lỗi, các em cùng phân tích, tìm nguyên nhân và khắc phục.

Vượt qua nhiều rào cản về kỹ thuật và thiết bị, nhóm đã tối ưu chi phí chế tạo thiết bị xuống dưới 1 triệu đồng/trạm. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời nên có thể lắp đặt tại vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có hệ thống cảnh báo thiên tai sớm. Ngoài gửi tin nhắn SMS, nhóm còn nghiên cứu mở rộng khả năng cảnh báo qua loa truyền thanh xã, ứng dụng Zalo hoặc các nền tảng mạng xã hội.

Dù mới thử nghiệm trên mô hình giả lập, nhóm học sinh đã đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới cảnh báo cộng đồng, ưu tiên triển khai ở các vùng núi cao và khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. “Thiết bị không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn góp phần bảo vệ những người yếu thế như người già, trẻ em ở vùng thường xuyên bị động đất, sạt lở, lũ lụt”, em Bình Minh nói thêm.

“Chúng tôi không chỉ tự hào vì các em đã chế tạo được thiết bị hoạt động hiệu quả, mà còn vì các em biết quan tâm đến cộng đồng, dám suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung trong những tình huống cấp bách”, ông Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Liên Việt, cho biết.

Dự án đã đoạt giải Triển vọng tại Hội thi “Sáng tạo cùng micro:bit” do Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum (cũ) phối hợp cùng UNICEF tổ chức.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.