Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới

Trong hành trình tìm bà nội có tên Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1930 sống ở Gia Định xưa, người phụ nữ Pháp bất ngờ phát hiện thêm nhiều manh mối quan trọng.

Cách đây không lâu, câu chuyện về người phụ nữ Pháp Fanny Pierre (43 tuổi) nỗ lực tìm lại bà nội người Việt Nam cũng như gốc gác của mình được đăng trên Báo Thanh Niên, thông qua bài viết Người phụ nữ Pháp tìm bà nội Việt Nam: Manh mối từ một nhà thờ ở TP.HCM, đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 1.

Bà Fanny (bé gái ở giữa) ngày nhỏ cùng gia đình ở Pháp

ẢNH: NVCC

Trong hành trình tìm về nguồn cội của người phụ nữ sống ở Le Mans xa xôi, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, bà đã lần mò theo những tài liệu của người cha quá cố – ông Jacques Pierre còn được lưu giữ.

Theo đó, ông sinh ngày 29.8.1949 tại Phú Nhuận (Gia Định xưa). Trong hồ sơ, có đề cập đến tên mẹ ông Jacques là bà Nguyễn Thị Cúc (không rõ năm sinh) và cha là ông Yvon Raymond Pierre (sinh năm 1925 ở Pháp).

Trong trích lục từ sổ đăng ký khai sinh của ông Jacques năm 1949 ghi rõ ông Yvon làm kỹ thuật viên vô tuyến điện tại Tổng cục Đường sắt Đông Dương (Sài Gòn thời Pháp thuộc).

Bà Fanny cho biết cha mình sau đó đã được gửi đến FOEFI, nhưng bà không biết đó là thời gian nào và trong bao lâu. Tiếp đến, ông được đưa vào trại trẻ mồ côi tại Mayenne (Pháp). Sau khi tìm hiểu, bà biết được trại trẻ này đã đóng cửa vào năm 1972. Sau khi được đưa đến Pháp, ông Jacques đã sống một cuộc đời mới mà mãi mãi không có cha mẹ ruột cạnh bên.

Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 2.
Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 3.
Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 4.

Những hồ sơ nhuốm màu thời gian về cha là manh mối để bà tìm lại bà nội ở Gia Định ngày xưa

ẢNH: NVCC

FOEFI là gọi tắt của Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương. Đây là hệ thống trường thu nhận hàng vạn trẻ lai tại Đông Dương, mà người cha – lính Pháp không thừa nhận, còn người mẹ có thể đã mất hoặc phải làm giấy cam kết cho con.

Ở tuổi 20, bà Fanny bắt đầu nghiên cứu phả hệ để tìm ông nội là người Pháp của mình. Trên hành trình này, bà đã tìm thấy được những người em cùng cha khác mẹ của cha mình.

Theo chia sẻ từ họ cũng như các tài liệu tìm được, bà Fanny biết được ông Yvon kết hôn với người phụ nữ Việt Nam khác và có một cô con gái sinh ra ở Tourane năm 1956. Được biết từ năm 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, Tourane là tên chính thức của Đà Nẵng, Việt Nam.

Sau đó, ông Yvon và vợ có cậu con trai sinh ra ở Đức năm 1958, hiện sống ở Pháp. Ông Yvon mất năm 2000. Tuy nhiên tất cả họ đều không có manh mối về bà Nguyễn Thị Cúc, người được cho là mẹ ruột của ông Jacques.

Phát hiện thêm manh mối quan trọng

Trong hành trình tìm kiếm gốc gác Việt Nam thông qua những thông tin từ cha và ông nội, mới đây, bà Fanny cũng phát hiện thêm nhiều hồ sơ cũ kỹ được lưu giữ suốt hàng thập kỷ, với nhiều thông tin quan trọng về bà nội người Việt của mình.

Người phụ nữ Pháp biết được thêm thông tin bà Cúc sinh năm 1930 tại Sài Gòn và làm nghề thợ giặt. Năm 1950 bà Cúc bị ông Yvon, tức ông nội của bà Fanny bỏ rơi. Trong hồ sơ lưu trữ ngày 16.6.1955 bằng tiếng Pháp có đề cập thêm một số thông tin về bà Cúc, cho biết sau đó, bà có chồng là tài xế taxi người Việt Nam và có 2 đứa con.

Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 5.
Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 6.

Người phụ nữ Pháp vừa tìm thấy thêm thông tin về bà nội người Việt trong những hồ sơ cũ kỹ của cha

ẢNH: NVCC

Ngày 11.7.1955, bà Cúc ký đơn cho con trai là ông Jacques vào Hội mồ côi. Trong tờ đơn bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, ghi rõ nội dung:

“Tôi tên là Nguyễn Thị Cúc bằng lòng giao con tôi tên là Jacques Pierre sinh ngày 29.8.1949 tại Gia Định cho Hội mồ côi nuôi dưỡng và cho ăn học đến ngày con tôi trưởng thành.

Tôi giao trọn quyền cho hội định đoạt số phận con tôi và hội khỏi cần dò hỏi ý kiến tôi trước nếu hội muốn gửi con tôi sang Pháp hoặc một xứ nào đó trong Liên Hiệp Pháp đặng ăn học thêm, hoặc trao đổi một nghề nghiệp chuyên môn nào khác.

Sau rốt, tôi bằng lòng lãnh con tôi về, nếu con tôi không tuân kỷ luật nhà trường, hoặc vì hạnh kiểm xấu hay là không chịu chăm lo việc học hành”.

Trong một hồ sơ tiếng Pháp khác vào ngày 5.12.1955 có ghi địa chỉ của ông Jacques ở số 36 Frédéric Drouhet, Chợ Lớn có khả năng ở khu vực đường Hồng Bàng thuộc phường Chợ Lớn hiện tại. Ngày 5.12 cũng là ngày mà ông Jacques được rửa tội tại nhà thờ Thánh nữ Jeanne d’Arc ở Sài Gòn, tức thuộc phường An Đông, TP.HCM hiện tại.

Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 7.
Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 8.

Bà Cúc ký đơn cho con trai là ông Jacques vào Hội mồ côi ngày 11.7.1955 (ảnh trái)

ẢNH: NVCC

Người phụ nữ Pháp tìm bà nội ở Gia Định xưa: Hé lộ manh mối mới- Ảnh 9.

Bà Fanny và chồng là ông Frédéric hiện có cuộc sống hạnh phúc ở Pháp với 2 người con là Héloïse, 10 tuổi và Alexandre, sắp lên 7

ẢNH: NVCC

“Tôi rất muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình và ghép lại tất cả những manh mối của câu đố này, để biết câu chuyện của cha tôi, mà ngược lại cũng là câu chuyện của riêng tôi và của các con tôi”, bà Fanny xúc động chia sẻ.

Anh Đỗ Hồng Phúc, kiến trúc sư ở TP.HCM nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm thân nhân ở Việt Nam miễn phí, là người đã giúp đỡ bà Fanny trên hành trình tìm bà nội ở Việt Nam của mình.

Nếu ai có bất kỳ thông nào liên quan tới bà Nguyễn Thị Cúc như thông tin trong hồ sơ, xin hãy liên hệ qua số điện thoại: 0979.283.523 (gặp anh Phúc). Bà Fanny vô cùng biết ơn!


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.