Trạm sạc xe điện nở rộ ở các quán cà phê TP.HCM: Giá rẻ, combo ăn uống…

TP.HCM xuất hiện hàng trăm trạm sạc xe điện tự phát trong quán cà phê. Tài xế công nghệ đến sạc pin, nghỉ trưa, ăn uống chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng.

Nhiều người chạy xe công nghệ dùng xe điện thẳng thắn chia sẻ: “Trạm sạc xe điện chính hãng chưa đủ để phục vụ nhu cầu của tài xế”. Đó là lý do họ tìm đến trạm sạc xe điện tự phát “mọc lên như nấm” tại các quán cà phê nhỏ khoảng 1 năm qua. 

Các trạm sạc tự phát đưa ra các mức giá: pin xe điện còn trên 50% giá sạc 20.000 đồng, dưới 50% 30.000 đồng và nhiều gói dịch vụ như sạc xe, nằm võng, uống nước và ăn mì… giá khoảng 50.000 đồng. 

Quán cà phê kiêm trạm sạc xe điện

Theo khảo sát của PV Thanh Niên với tài xế chạy xe máy điện và các các hội nhóm trên mạng xã hội ở TP.HCM, mạng lưới trạm sạc xe điện ở quán cà phê đã phủ kín khắp các phường, xã với trên cả trăm điểm. Cụ thể, riêng tại các phường mới thuộc khu vực TP.Thủ Đức cũ đã có hơn 20 điểm sạc pin xe máy điện trong quán cà phê.

Anh Nguyễn Hưng (39 tuổi, ở phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú cũ) bắt đầu dùng xe máy điện để chạy xe ôm công nghệ khoảng hơn 1 năm. Hằng ngày, anh sạc xe điện của mình khoảng 2 lần. Lần thứ nhất vào buổi tối ở chung cư nơi anh đang sống, lần thứ 2 tại một trạm sạc ở quán cà phê vào ban ngày.

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 1.

Trạm sạc xe điện với lời quảng cáo hấp dẫn ở phường Linh Xuân (TP.Thủ Đức cũ)

Ảnh: Phan Diệp

Anh Hưng khẳng định: “Chưa bàn đến vấn đề môi trường, chạy xe máy điện tiết kiệm hơn xe xăng. Cụ thể, xe xăng chạy 100 km tốn khoảng 50.000 đồng trong khi xe điện chỉ tốn khoảng 20.000 đồng. Xe điện ít bảo trì, sửa chữa hơn xe xăng, chủ yếu là kiểm tra phanh, thay bánh xe. Một lần sạc pin xe máy điện chạy được khoảng 100 – 120 km”.

Theo anh Hưng, hạn chế duy nhất của xe điện thời điểm này đó là việc sạc pin. Khi mới vào nghề, anh luôn đau đầu trong việc sắp xếp việc chạy xe, nghỉ ngơi, chở khách và sạc pin trong ngày sao cho tiết kiệm thời gian, vì mỗi lần sạc pin xe điện lên đến 2 – 3 tiếng. Khi đó, anh thường sạc xe điện ở một số hầm chung cư hoặc trung tâm thương mại có bố trí trạm sạc của VinFast. Tuy nhiên, điều này khá bất tiện vì khoảng cách giữa các điểm khá xa nhau, không có chỗ nghỉ ngơi.

Sau này, nhờ những đồng nghiệp, anh Hưng không còn vất vả tìm trạm sạc nữa mà đến những “quán cà phê sạc xe điện”.

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 2.
Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 3.

Một số trạm sạc tự phát ở các phường mới thuộc khu vực TP.Thủ Đức cũ

Ảnh: Phan Diệp

Tài xế Thái Duy Anh (37 tuổi) cho biết: “Ban ngày, khi chở khách thấy pin xe máy điện còn khoảng 20 – 30%, tôi sẽ chủ động tìm trạm sạc ở các quán cà phê để vệ sinh, ăn uống và nghỉ ngơi”.

Theo tài xế, mô hình trạm sạc ở quán cà phê này đa dạng dịch vụ như: có phục vụ sạc nhanh thời gian chờ chưa đến 2 tiếng, pin còn trên 50% giá 20.000 đồng, pin dưới 50% giá 30.000 đồng. Loại sạc thường phải chờ đến khoảng 3 tiếng, giá rẻ hơn 30% so với sạc nhanh… Chưa hết, nếu dùng các gói combo sạc xe điện cộng thêm nước uống, ăn nhẹ và ngủ võng thì giá cả cũng chỉ từ 35.000 – 55.000 đồng.

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 4.

Tài xế xe máy điện chuộng mô hình trạm sạc có chỗ nằm nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh trong quán cà phê

Ảnh: Phan Diệp

Một số điểm sạc pin còn vận hành theo hình thức nhà trọ với các dịch vụ nghỉ qua đêm, tính theo ngày, tuần, tháng, có phục vụ cả máy lạnh. Khi đăng ký, tài xế sẽ được miễn phí sạc xe điện, tặng thêm khăn lạnh…

“Bác tài có thể tranh thủ giờ sạc xe điện để ăn uống, chợp mắt vào buổi trưa để lấy sức chạy xe tiếp đến tối”, anh Duy Anh cho biết.

“Có cầu ắt có cung”

Mô hình trạm sạc ở quán cà phê này phủ sóng khắp nơi trong thành phố hơn hết cũng bởi lý do tài xế xe ôm công nghệ sử dụng xe điện ngày càng nhiều. Hiện nay đã có hãng xe ôm công nghệ Xanh SM sử dụng 100% xe máy điện còn các hãng khác thì chủ yếu tài xế dùng xe xăng.

Theo thống kê, hiện có khoảng 400.000 xe máy xăng đang được cảnh tài xế công nghệ, giao hàng sử dụng ở TP.HCM nằm trong đối tượng nghiên cứu của đề án “Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM” mà Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo cuối cùng.

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 5.

Trạm sạc xe điện ngoài trời có mái che và ghế đá cho tài xế nghỉ chân

Ảnh: Phan Diệp

Tại Việt Nam hiện chỉ có VinFast sở hữu hệ thống trạm sạc rộng khắp với 150.000 trụ. Riêng trên địa bàn TP.HCM hiện chỉ có khoảng 600 trạm sạc của VinFast. PV Thanh Niên thực hiện khảo sát nhỏ như sau để thấy số lượng trạm sạc ở một số tuyến đường còn hạn chế, cụ thể:

Nếu đi hết 21 km từ đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình ở TP.Thủ Đức cũ) – đường Võ Chí Công – đường Nguyễn Thị Thập (phường Tân Mỹ, ở Q.7 cũ) thì hiện có 6 trạm xăng nhưng chỉ có trạm sạc xe máy điện ở 2 khu vực, 1 điểm trong bãi đỗ xe và 1 điểm gồm các trạm sạc nằm trong hầm giữ xe ở khu chung cư.

Ngoài ra, cũng với quãng đường hơn 20 km, với điểm xuất phát như trên nhưng đi lộ trình qua đường Nguyễn Văn Tăng – đường Lê Văn Việt – đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Xuân Hoà thuộc Q.3 cũ) thì có đến 10 trạm xăng trong khi chỉ có 3 điểm trạm sạc xe máy điện.

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 6.

Khu vực sạc riêng dành cho xe máy điện ở một khu chung cư

Ảnh: Phan Diệp

Vì sao trạm sạc xe điện trong quán cà phê ở TP.HCM 'như nấm sau mưa'? - Ảnh 7.

Hệ thống điện ở trạm sạc trong một quán cà phê bố trí khá sơ sài

Ảnh: Phan Diệp

Trong buổi ghi nhận tại một số quán cà phê có phục vụ sạc pin xe điện hôm 21.7. PV Thanh Niên thấy hệ thống đường dây điện, ổ điện để sạc pin tại các quán khá sơ sài. Tài xế chỉ cần đậu xe ngay trước cửa quán là có thể sạc ngay. Tuy nhiên, cũng có nơi đầu tư các tủ điện nhỏ gắn sát vào tường dùng để chứa các thiết bị điện, ngăn cách với người dùng để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình sạc pin.

“Trước đây tôi chỉ bán nước, cà phê nhưng có lần tài xế xe máy điện vào quán xin sạc pin nhờ rồi trả tiền nên tôi mới có ý tưởng mở thêm dịch vụ sạc xe này. Xe máy chạy xăng chỉ cần 5 phút là đổ đầy bình, tiếp tục đi, còn xe điện thì phải chờ đợi lâu mới sạc đủ pin. Tôi thấy mô hình này có thể phổ biến trong tương lai”, một chủ quán ở phường Linh Xuân nhận định.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS) hoàn thiện dự thảo cuối cùng của đề án “Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM”. Theo đó, đầu năm 2026, khi đăng ký mới với các ứng dụng, tài xế bắt buộc phải sử dụng xe điện. Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TP.HCM do Sở Xây dựng chủ trì. Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bụi, xây dựng TP.HCM trong tương lai phát triển xanh, bền vững.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.