Thảo Cầm Viên Sài Gòn 'chia tay' hổ trắng Ngộ Không sau 10 năm gắn bó

Sáng 8.7, Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP.HCM) thông báo chú hổ trắng Bengal có tên Ngộ Không đã chết sau 10 năm sống tại vườn thú.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, hổ trắng Bengal này được sinh tại vườn thú vào ngày 8.7.2015, là kiểu hình của dạng đồng hợp tử gen lặn đột biến ở hổ bố và hổ mẹ.

Để có được hổ con màu trắng không nhất thiết phải cho hổ giao phối cận huyết mà chỉ cần biết được gen lặn của hổ bố, hổ mẹ có mang đột biến để ghép đôi.

Các trường hợp đồng hợp tử gen lặn đột biến phần nhiều đều gây ra những khiếm khuyết trên cơ thể. Một số biểu hiện ra bên ngoài có thể thấy được hoặc không thấy được rõ ràng, gây ảnh hưởng đến chức năng của một số cơ quan trong cơ thể. Ở hổ Bengal trắng, người ta ghi nhận các vấn đề về thị giác, thị lực kém, suy yếu miễn dịch, dị tật xương khớp, thận, thần kinh, nhạy cảm với ánh nắng… gây khó khăn trong việc tồn tại trong tự nhiên cũng như trong môi trường nuôi dưỡng có kiểm soát.

Hổ trắng tên ‘Ngộ Không’ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã chết  - Ảnh 1.

Hổ trắng có tên Ngộ Không đã chết sau 10 năm sống tại Thảo Cầm Viên

Ảnh: Vũ Phượng

Hổ trắng có tên Ngộ Không được sinh cùng ngày với 2 hổ con, có tên là Bò Sữa và một hổ (anh trai) khác. Một trong 3 chú hổ đầu tiên mất sớm khi chưa tròn 6 tháng do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa. Hổ mẹ không đủ sữa chăm 2 con cùng lúc nên Bò Sữa được tách ra nuôi bằng sữa công thức, Ngộ Không sống với mẹ. Sau này hổ mẹ mất, hổ trắng Ngộ Không ở một mình.

Do sống cùng mẹ nên tính cách của hổ trắng Ngộ Không khác biệt hẳn với Bò Sữa. Ngộ Không chỉ hoạt bát, thân thiện với nhân viên vườn thú. Ngộ Không tinh nghịch, vận động rất tốt. Tất cả những thân cây trong chuồng đều đầy dấu móng của hổ trắng.

Để cuộc sống của hổ trắng Ngộ Không không nhàm chán, nhân viên vườn thú còn đặc biệt tạo ra các thử thách vận động, kích thích liên tục để con hổ này thể hiện bản năng, sức mạnh.

Khi du khách đến tham quan vào giờ ăn của Ngộ Không có thể thấy hổ thỉnh thoảng đứng hẳn trên hai chân sau để lấy thức ăn treo cao hoặc trèo lên cây giành thịt.

Cách đây hơn 2 tuần, hổ trắng bắt đầu có biểu hiện bệnh, từ chối tất cả các loại thức ăn được cung cấp, tiêu hóa ngày càng khó khăn. Đội ngũ bác sĩ thú y của vườn thú phối hợp cùng các chuyên gia được mời về hội chẩn, theo sát diễn biến sức khỏe của hổ trắng.

Hổ trắng tên ‘Ngộ Không’ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã chết  - Ảnh 2.

Chú hổ trắng Ngộ Không lúc mới chào đời năm 2015

Ảnh: Phạm Hữu

Tuy nhiên, hổ trắng Ngộ Không trở mệt rất nhanh trong đêm nhưng vẫn nằm yên, gắng gượng những nhịp thở yếu ớt để được gặp “ba nuôi” là nhân viên vườn thú lần cuối. “Ba nuôi” như cũng có linh tính, vào làm sớm hơn vài tiếng. Khi nghe giọng “ba nuôi” gọi, Ngộ Không bình tâm hơn, hơi thở nhẹ nhàng và chết vào sáng ngày 7.7, tròn 10 tuổi.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.