Ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi nằm dọc kênh Bến Nghé từng thuộc làng Vĩnh Hội nay là đường Bến Vân Đồn (phường Vĩnh Hội, TP.HCM), từng là hãng nước mắm lớn nhất nhì Sài Gòn xưa.
Nếu đi dọc trên đường Bến Vân Đồn, đoạn gần đình Vĩnh Hội thì không khó để nhận thấy một ngôi nhà cổ với 2 tầng nổi bật với nét Sài Gòn xưa dù đã được cải tạo, tân trang mới.
Nhà cổ, “cái nôi” làm nước mắm ở Sài Gòn xưa
Từ những ghi chép ít ỏi của hãng nước mắm này thì hãng ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân lan rộng ở Trung kỳ, với ba mục tiêu lớn do Phan Chu Trinh đề xướng: “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh”. Phong trào có sự tham gia tích cực của các sĩ phu như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, và mang đậm tinh thần cải cách ôn hòa thông qua giáo dục và kinh tế
Do đó, tại Phan Thiết, các nhân sĩ yêu nước là: Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng thống nhất thành lập 3 tổ chức gắn bó mật thiết với nhau. Đó là Liên Thành Thơ Xã, thành lập năm 1905 với nhiệm vụ truyền bá sách báo yêu nước, góp phần phát triển dân trí; Liên Thành Thương Quán thành lập năm 1906 (tiền thân của công ty Liên Thành) nhằm phát triển kinh tế, ưu tiên sản xuất tiêu dùng hàng Việt; Dục Thanh Học Hiệu (trường Dục Thanh) thành lập năm 1907 để làm nơi đào tạo thế hệ trẻ yêu nước, có tư tưởng tiến bộ.

Ngôi nhà cổ còn sót lại nằm tại đường Bến Vân Đồn, phường Vĩnh Hội, TP.HCM
Ảnh: Phạm Hữu

Hình ảnh ngôi nhà và các thành viên được chụp vào năm 1930
Ảnh: Phạm Hữu
Vài năm sau, hãng nước mắm này chuyển dần việc kinh doanh vào Sài Gòn – Chợ Lớn. Ban đầu, nơi đây chọn địa điểm kinh doanh chính nằm tại 1, 2, 3 đường Quai Testard (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm). Đến năm 1918, hãng mua lại khu đất ở Vĩnh Hội (nay là số 243 Bến Vân Đồn, phường Vĩnh Hội mới, TP.HCM) nhằm mở rộng việc kinh doanh.
Ban đầu, khu đất này được dùng làm kho, có cất thêm nhà vựa được 40 thùng nước mắm. Sau đó đến năm 1922, do chi phí thuê mặt bằng tại Chợ Lớn quá cao nên hãng đã quyết định dời về trụ sở có lầu khang trang và đưa vào sử dụng cho đến ngày nay. Trong thời gian sửa chữa, cơ sở đóng tạm ở Cầu Ông Lãnh, cuối đường Boulevard Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học).
Trong tư liệu còn lưu lại có đoạn: “Để khuếch trương vì ở thuộc địa Nam Kỳ đã có luật lệ minh bạch. Vốn Liên Thành đã tăng lên được 93.200 đồng. Đại hội quyết định kêu thêm phần vốn lên 200.000 đồng. Địa điểm trước chợ cá, góc Kinh Lấp (sau là đại lộ Tổng đốc Phương, Chợ Lớn)”.
Không dừng lại việc kinh doanh, hãng nước mắm này còn trích lợi nhuận nuôi dưỡng những lý tưởng lớn. Hỗ trợ cho cán bộ trong các chuyến đi vận động phong trào Duy Tân, Đông Du và sau này là cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, hãng liên tục trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc. Năm 1944, máy bay của đồng minh liên tục ném bom nên hãng dời trụ sở xuống tận Mỹ Tho, đến tháng 4.1945 mới trở lại Sài Gòn. Tuy nhiên, đến tháng 8.1945, lại phải chạy xuống Mỹ Tho lánh nạn một lần nữa khiến hãng bị thiệt hại rất lớn.
Tháng 3.1978, công ty Liên Thành được UBND TP.HCM ra quyết định công nhận là cơ sở cách mạng; có đóng góp quỹ kháng chiến qua 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ.
Đến tháng 5.1979, UBND TP.HCM ra quyết định đưa công ty Liên Thành vào quốc doanh. Trong đó, bàn giao toàn bộ tài sản công ty cho công ty chế biến Sở Thuỷ Sản quản lý, bao gồm ngôi nhà cổ này.

Khu vực ủ nước mắm ở làng Vĩnh Hội khi xưa
Ảnh: Phạm Hữu
Kiến trúc Pháp cổ tại Sài Gòn xưa
Ngôi nhà cổ này hiện đang nằm tại số 243 đường Bến Vân Đồn, phường Vĩnh Hội, TP.HCM (trước ngày 1.7 địa chỉ này thuộc phường 2, quận 4).
Theo quan sát, ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng lớn. Nhà nằm theo hướng tây – bắc, mặt tiền hướng ra đường Bến Vân Đồn và kênh Bến Nghé. Phía trước được bao bọc bởi hàng rào sắt, cách điệu đơn giản, cách lộ giới khoảng 4 – 5 m.
Đến hiện tại, vẫn chưa có tư liệu hay dấu tích nào nói về thời điểm ngôi nhà được xây dựng cũng như tuổi đời chính xác. Chỉ biết rằng ngôi nhà này được mua lại và bắt đầu sử dụng vào năm 1922.
Ngôi nhà cổ này là một trong những công trình còn lưu giữ gần nguyên vẹn lối kiến trúc kiểu Sài Gòn xưa. Dù qua trăm năm nhưng nhà vẫn mang đậm dấu ấn phong cách tân cổ điển Pháp với bố cục cân đối, hệ thống cột trụ vuông vức, mái vòm cong mềm mại và ban công lan can lục bình đặc trưng.

Dù ngôi nhà đã được cải tạo, thay thế nhiều hạng mục và phủ lớp sơn mới nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính của Sài Gòn xưa
Ảnh: Phạm Hữu

Lối hành lang phía trước ở tầng 1 ngôi nhà
Ảnh: Phạm Hữu
Hệ thống cửa vòm cong xuất hiện nhiều ở cả tầng trệt và lầu, tạo nên nét mềm mại, sang trọng. Cửa gỗ dạng lá sách đặc trưng, vừa che nắng mưa, vừa đảm bảo lưu thông không khí, phù hợp khí hậu nhiệt đới ẩm của Nam bộ xưa. Nhiều ô cửa có khung vòm trang trí bằng gạch hoặc gờ nổi, giúp tăng chiều sâu thị giác cho mặt đứng.
Cột vuông ở mặt đứng chính, tạo cảm giác vững chãi, phân chia nhịp kiến trúc rõ ràng. Những chi tiết như cửa chớp gỗ, các gờ chỉ nổi chạy ngang mặt đứng tạo nên một tổng thể hài hòa, thanh lịch nhưng vẫn rất bề thế.
Sau nhiều thập niên, công trình đã được cải tạo, tuy nhiên, vào năm 2021 ngôi nhà mới có cuộc đại trùng tu, sơn mới hoàn toàn bằng gam trắng chủ đạo. Dù cho ngôi nhà có thay đổi nhiều chi tiết, nội thất, với hệ cửa chính và cửa sổ bằng nhôm, kính hiện đại nhưng vẫn tôn lên vẻ trang nhã đồng thời cũng bảo tồn các đường nét kiến trúc cổ kính. Đây không chỉ là một kiến trúc đẹp mà còn là chứng tích sống động của một thời kỳ lịch sử.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.