Sau 1.7, nhiều người khi đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, sống gần tòa nhà Landmark 81 hay ga metro Tân Cảng đặt câu hỏi khu vực này thuộc phường mới nào ở TP.HCM.
Sau ngày 1.7, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hàng loạt phường ở TP.HCM được sáp nhập, đổi tên, thành lập mới, trong đó có phường Thạnh Mỹ Tây. Do đó người dân phải làm quen để nắm rõ địa giới hành chính mới.
Nhiều người vẫn chưa xác định trụ sở mới của cơ quan hành chính hoặc không rõ nhà mình hiện thuộc phường nào sau khi sắp xếp lại địa giới. Mặc dù đã thông tin rộng rãi, niêm yết bản đồ và cập nhật tên mới trên các cổng thông tin điện tử, song thực tế cho thấy việc tra cứu địa giới của người dân vẫn chưa thuận tiện.

Bản đồ các khu phố ở phường Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM
Ảnh: UBND phường Thạnh Mỹ Tây
Tình hình này phổ biến ở những khu vực giáp ranh. Thêm vào đó, các nền tảng bản đồ số như Google Maps chưa cập nhật đồng bộ, khiến người dân còn lúng túng trong việc xác định phường mới.
Anh Phạm Duy Anh cho biết trước kia, địa chỉ nhà của anh là chung cư số 71/3, đường Nguyễn Văn Thương, P.25, Q.Bình Thạnh, nơi cách ga metro Tân Cảng khoảng 200 m, tòa nhà Landmark 81 khoảng 400 m. Giờ anh nghe nói địa giới mới nơi anh sống trở thành phường Thạnh Mỹ Tây chứ không còn là phường 25, Q.Bình Thạnh. Tuy vậy, anh vẫn còn chưa rõ trong cách xác định địa giới hành chính nơi mình đang sống.
Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính, phường Thạnh Mỹ Tây chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường 19, 22 và 25, Q.Bình Thạnh cũ. Phường Thạnh Mỹ Tây có diện tích 4,4 km2, với 76 khu phố, dân số là 152.000 người. Trụ sở HĐND, UBND phường Thạnh Mỹ Tây nằm tại số 85/16, đường Phạm Viết Chánh, nơi đây cũng là trụ sở Trung tâm phục vụ hành chánh công.

Một góc phường Thạnh Mỹ Tây có tòa nhà Landmark 81 nhìn từ hướng phường An Khánh
Ảnh: Nhung Tùng

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bao bọc một phần địa giới của phường Thạnh Mỹ Tây
Ảnh: Phạm Hữu
Phường Thạnh Mỹ Tây nằm ở vị trí hướng về cửa ngõ phía đông của TP.HCM, giáp ranh với phường Sài Gòn, Gia Định, Bình Thạnh, Bình Quới và An Khánh. Phường được bao bọc bởi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 và hành lang dọc sông Sài Gòn (kéo dài từ cầu Kênh Thanh Đa xuống tận kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Điểm nhấn nổi bật của phường Thạnh Mỹ Tây chính là sự hiện diện của tòa nhà Landmark 81, biểu tượng mới của đô thị hiện đại. Với chiều cao 461 m, Landmark 81 không chỉ là tòa nhà cao nhất Việt Nam mà còn là điểm đến quen thuộc của người dân và du khách với trung tâm thương mại, nhà hàng, khu giải trí và công viên Vinhomes Central Park dọc sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, trong địa giới phường còn có hiện diện của 2 trường đại học lớn là Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trên đường Điện Biên Phủ và Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM nằm ở đường Võ Oanh.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xem là tuyến đường huyết mạch của phường. Điểm nối từ khu vực phường Sài Gòn đến phường An Khánh. Trên con đường này có rất nhiều tòa nhà cao tầng, sầm uất bậc nhất TP.HCM
Ảnh: Phạm Hữu

Đường Điện Biên Phủ cũng được xem là tuyến giao thông chính của TP.HCM. Trước kia, đường này thuộc địa giới của Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Ảnh: Phạm Hữu
Phường Thạnh Mỹ Tây còn có lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống metro đi xuyên qua địa giới. Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi qua địa bàn phường với hai nhà ga trên cao là Tân Cảng và Văn Thánh. Hai nhà ga này không chỉ phục vụ việc di chuyển của cư dân trong khu vực mà còn mở ra hướng kết nối thuận lợi giữa trung tâm TP.HCM với khu vực phường và khu đông.
Các tuyến đường huyết mạch ở phường Thạnh Mỹ Tây phải kể đến như: Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Ngô Tất Tố, Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm. Đây là trục giao thông quan trọng, giúp người dân dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận và trong phường. Chưa kể 2 tuyến đường chính giáp ranh với các ở phường là Xô Viết Nghệ Tĩnh và quốc lộ 13.
Bên cạnh đó, trong địa giới phường còn có rất nhiều tuyến đường nhánh, nhỏ như: Phạm Viết Chánh, Mê Linh, Huỳnh Mẫn Đạt, Võ Duy Ninh, Nguyễn Văn Lạc, Phan Văn Hân, Võ Oanh…
Ở phường Thạnh Mỹ Tây, nếu đi đến phía bắc hướng về phường Bình Quới, người dân có thể đi trên quốc lộ 13 hoặc đường Nguyễn Gia Trí đến Ung Văn Khiêm. Còn nếu muốn đến đường Mai Chí Thọ (phường An Khánh) có thể đi đường Nguyễn Hữu Cảnh rồi rẽ vào cầu Thủ Thiêm. Chưa kể nếu muốn đi chợ Bà Chiểu (phường Gia Định) có thể đi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Phía đông của phường Thạnh Mỹ Tây được sông Sài Gòn bao bọc hoàn toàn. Điển nối của phường với các khu vực lân cận này bằng 3 chiếc cầu là: Thủ Thiêm, Sài Gòn, Kênh Thanh Đa
Ảnh: Nhung Tùng

Tòa nhà Landmark 81, điểm nhấn của phường Thạnh Mỹ Tây
Ảnh: Phạm Hữu

Ở phường này còn có tuyến metro số 1 đi qua, nơi đây có đến 2 nhà ga là Tân Cảng và Văn Thánh. Trong ảnh là nhà ga Tân Cảng, nằm song song với cầu Sài Gòn
Ảnh: Phạm Hữu

Người dân ở phường Thạnh Mỹ Tây được nhiều thuận lợi về giao thông khi có thể sử dụng metro để vào trung tâm TP.HCM hoặc đến khu vực phía đông, đến Bến xe Miền Đông mới
Ảnh: Phạm Hữu
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.