Từ ngày 1.7, TP.HCM thành lập hàng loạt phường mới nên nhiều người lúng túng chưa biết địa chỉ nhà mình hay nơi mình đến nay thuộc phường nào, ghi ra sao cho đúng.
Sau ngày 1.7, bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hàng loạt phường ở TP.HCM được sáp nhập, đổi tên, thành lập mới. Nhiều người, nhất là người từ nơi khác đến TP.HCM, bối rối vì chưa quen cũng như chưa nắm rõ địa giới hành chính mới.
Dù các địa phương đã thông báo, niêm yết bản đồ và cập nhật tên mới trên cổng thông tin, nhưng thực tế cho thấy, người dân vẫn chưa quen khi tra cứu thông tin địa giới mới, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh các phường, xã hoặc đổi tên hoàn toàn. Trong khi đó, các ứng dụng bản đồ như Google Maps cũng chưa cập nhật đồng bộ.

Bản đồ địa giới hành chính phường Gia Định mới
Ảnh: UBND phường Gia Định
Chị Nguyễn Thị Huế bày tỏ: “Trước kia, địa chỉ nhà của tôi nằm ở số 280/29, đường Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh, nơi cách chợ Bà Chiểu khoảng 300 m. Giờ nghe nói thành phường Gia Định nhưng tôi cũng không chắc chắn lắm”.
Từ sau ngày 1.7, chị vẫn chưa nắm bắt được nhiều thông tin cụ thể về địa giới nơi chị đang trú ngụ. Chị Huế vẫn còn mù mờ trong cách tra cứu thông tin về địa giới hành chính nơi mình đang sống. Chị Huế cũng như nhiều người hy vọng sẽ sớm có bản đồ hoặc ứng dụng nào đó để cập nhật.
UBND phường Gia Định cho biết, phường được hình thành từ việc hợp nhất các phường: 1, 2, 7, 17 của Q.Bình Thạnh cũ. Phường có diện tích 2,76 km2, với 62 khu phố, dân số 126.000 người. Địa chỉ trụ sở chính của phường Gia Định nằm tại số 134, đường Lê Văn Duyệt và Trung tâm phục vụ hành chính công ở số 98, đường Lê Văn Duyệt, cả hai đều nằm trong địa bàn của Q.Bình Thạnh cũ.

Toàn cảnh phường Gia Định mới nhìn từ chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh cũ)
Ảnh: Phạm Hữu

Cửa chính của chợ Bà Chiểu nằm trên đường Bạch Đằng, nút giao với đường Lê Quang Định. Đối diện chợ là địa giới của phường Bình Thạnh mới. Trước kia, toàn bộ khu vực này đều thuộc Q.Bình Thạnh cũ
Ảnh: Phạm Hữu
Phường Gia Định mới được bao bọc bởi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đường Trường Sa) đến tận rìa đường Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định, Nguyễn Văn Đậu, Nơ Trang Long, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phường Gia Định nằm giáp với các phường như: Bình Thạnh, Thạnh Mỹ Tây, Bình Lợi Trung và Tân Định. Địa giới phường, có các tuyến đường chính chạy qua là: Lê Văn Duyệt và Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, Bùi Hữu Nghĩa… Bên cạnh đó còn có các con đường nhánh nhỏ như: Vũ Tùng, Phan Văn Hân, Vạn Kiếp, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Cửu Vân, Trường Sa, Vũ Huy Tấn.
Trong đó, đường Lê Văn Duyệt kéo dài từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, trước cửa UBND phường Bình Thạnh. Đường Điện Biên Phủ kéo dài từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh; đường Bùi Hữu Nghĩa kéo dài từ cầu Bùi Hữu Nghĩa đến đường Bạch Đằng (khu vực chợ Bà Chiểu).
Từ phường Gia Định có thể đến cầu Sài Gòn trên đường Điện Biên Phủ hoặc đường Bạch Đằng. Nếu muốn đi đến phố ẩm thực nổi tiếng đường Phan Xích Long (phường Cầu Kiệu mới, Q.Phú Nhuận cũ) có thể đi từ đường Vạn Kiếp hoặc Vũ Huy Tấn. Còn nếu muốn đi đến phường Sài Gòn có thể di chuyển bằng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hoặc Lê Văn Duyệt, Bùi Hữu Nghĩa…
Thăm dò ý kiến
Bạn đã biết nhà mình thuộc phường mới nào chưa?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Lăng Ông Bà Chiểu được xem là trung tâm và điểm nhấn của phường Gia Định
Ảnh: Phạm Hữu

Khu vực Lăng Ông Bà Chiểu nằm giáp với đường Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Vũ Tùng. Đối diện với cổng Lăng Ông là trụ sở chính của phường Bình Thạnh
Ảnh: Phạm Hữu
Ngoài ra, nơi được xem là trung tâm của phường Gia Định là khu vực Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (hay Lăng Ông Bà Chiểu), chợ Bà Chiểu, Trường THPT Gia Định, Bệnh viện Gia Định… Người dân có thể lấy các điểm này làm trung tâm để xác định phương hướng đi lại, cũng như nơi chốn mình đang ở.
Theo đó, Lăng Ông Bà Chiểu hiện là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Lăng nằm tại khu vực giao nhau giữa 4 con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng, ngay cạnh chợ Bà Chiểu sầm uất. Đây là nơi yên nghỉ của vị quan nổi tiếng thanh liêm, Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định cùng phu nhân Đỗ Thị Phẫn.
Lăng Ông rộng 18.500 m2, ngự trên một gò đất cao. Tường bao quanh lăng dài 500 m, cao 1,2 m với bốn cổng hướng mặt về bốn phía. Cổng tam quan đặt ở hướng nam, quay mặt ra đường Vũ Tùng, phía trên đề ba chữ “Thượng Công Miếu” bằng Hán tự.
Cạnh Lăng Ông là chợ Bà Chiểu nổi tiếng sầm uất. Chợ này trước kia cũng được xem là trung tâm và biểu tượng của Q.Bình Thạnh cũ. Chợ bày bán đa dạng các loại hàng hóa, từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép, nón lá đến nhu yếu phẩm hàng ngày. Mặt tiền chợ nằm trên đường Bạch Đằng, phía sau chợ là đường Vũ Tùng. Sau khi thành lập phường mới chợ nằm gọn trong lòng phường Gia Định.

Trục đường Lê Văn Duyệt được xem là tuyến đường huyết mạch ở phường Gia Định
Ảnh: Phạm Hữu

Trụ sở chính của phường Gia Định nằm tại số 134, đường Lê Văn Duyệt
Ảnh: Phạm Hữu

Bên cạnh đó, trục đường Điện Biên Phủ cũng là tuyến đường chính chạy xuyên qua phường Gia Định. Tuyến đường này kéo dài từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh
Ảnh: Phạm Hữu

Một đoạn đường Điện Biên Phủ nằm trong lòng phường Gia Định, nơi có một số trường đại học lớn ở TP.HCM “đóng đô”
Ảnh: Phạm Hữu

Đường Trường Sa, nằm dọc bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bao bọc một phần phường Gia Định
Ảnh: Phạm Hữu

Phường Gia Định được nối từ cầu Bông, ranh giới giữa phường Tân Định
Ảnh: Phạm Hữu
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.