Lao động trên 35 tuổi tìm việc: 8 tháng chật vật gõ cửa 50 công ty

Anh Dương Thiên Minh (40 tuổi, TP.HCM) mất 8 tháng gửi hồ sơ đến 50 công ty, từng bị từ chối vì lương kỳ vọng cao và ‘quá tuổi tuyển dụng’. Nhiều lao động trên 35 tuổi khác cũng rơi vào cảnh tương tự.

Sau 3 năm ở nhà chăm con, anh Dương Thiên Minh (ở phường Thủ Đức) chật vật tìm việc. Anh là một trong nhiều lao động trên 35 tuổi đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt: kinh nghiệm không còn là lợi thế, tuổi tác trở thành rào cản.

“Tôi tốt nghiệp đại học, có 14 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, mức lương cao nhất từng nhận là hơn 30 triệu đồng/tháng ở công ty nước ngoài. Sau 3 năm ở nhà tập trung chăm sóc con, tôi chật vật khi đi tìm việc”, anh Minh nói. Câu chuyện của anh Minh – người trên 35 tuổi ở TP.HCM hiện nay khó khăn khi đối mặt với nhà tuyển dụng có phải là cá biệt?

Kinh nghiệm dày vẫn bị từ chối vì quá 35 tuổi

Vợ chồng anh Minh mua nhà từ năm 2020. Kinh tế vững vàng là nền tảng để anh Minh quyết định nghỉ việc, dành thời gian cho con nhỏ. Anh chia sẻ: “Thêm một lý do khác, tôi bắt đầu chán công việc kỹ thuật, muốn làm tự do”. Với kinh nghiệm chuyên môn của mình, anh Minh tự tin sẽ xin được việc, nếu muốn quay lại nghề cũ.

Hơn 2 năm, anh Minh thử làm từ môi giới bất động sản đến đầu tư tiền ảo… nhưng không có thu nhập ổn định. Cuối năm ngoái, anh bắt đầu viết CV gửi đến các công ty xin làm nhân viên kỹ thuật đúng chuyên môn. Từ mức lương hơn 30 triệu/tháng từng nhận, khi quay lại anh chủ động đề xuất lương từ 17 – 20 triệu đồng/tháng. Trong số 50 công ty anh ứng tuyển, chỉ có 10% đơn vị gọi điện hẹn gặp phỏng vấn trực tiếp.

“Thực tế khắc nghiệt hơn dự tính nên đầu tháng 6, tôi phải sửa lại CV xin việc. Tôi xóa bớt kinh nghiệm làm việc trong các vị trí chuyên môn cao, nhắm đến những vị trí thông thường”, anh kể.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: 8 tháng chật vật gõ cửa 50 công ty - Ảnh 1.

Phần trình bày kỹ năng trong CV gửi nhà tuyển dụng của anh Thiên Minh

Ảnh: Phan Diệp

Cuối cùng, giữa tháng 7, anh được nhận vào làm ở bệnh viện tư, mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Anh Minh cho biết mình khó tìm việc do “tuổi tác và mức lương đề nghị hơi cao”, trong khi các công ty muốn trả thấp hơn. Doanh nghiệp lo ngại lao động trên 35 tuổi như anh đã từng nhận lương cao, kinh nghiệm nhiều nên khó gắn bó lâu dài với vị trí lương thấp.

“Hơn nữa, tôi không đáp ứng được các tiêu chí phụ như: có thể tự lái xe đi công tác xa, ngoài làm kỹ thuật còn có thể kiêm luôn nhiệm vụ giới thiệu, bán thiết bị, tiếp khách…”, anh Minh chiêm nghiệm.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: 8 tháng chật vật gõ cửa 50 công ty - Ảnh 2.

Người lao động tham khảo thông tin tuyển dụng trong Khu chế xuất Linh Trung

Ảnh: P.T.N

Không riêng anh Minh, nhiều lao động trên 35 tuổi ở TP.HCM đang rơi vào tình cảnh khó tìm việc mới. Chị Nguyễn Thị Linh (37 tuổi, ở phường Long Bình) đã thất nghiệp 3 tháng sau khi công ty giảm nhân sự. Trong khi những người bạn cùng tuổi thăng tiến lên làm quản lý, chị Linh vẫn đang chỉnh sửa CV, nhắn đến từng người bạn nhờ giới thiệu việc.

“Tôi từng làm trong ngành truyền thông nhưng chỉ ở vị trí viết bài. Ngành ngày giờ chỉ tuyển người trẻ, năng động, đa năng biết quay phim, dựng clip còn tôi thì…”, chị Linh thở dài, bỏ lửng.

Hiện chị Linh có một con nhỏ đang học lớp 5. Thu nhập của chồng chị Linh quanh quẩn chỉ 10 triệu đồng/tháng, giờ gánh hết tiền điện, tiền thuê nhà, tiền nước, tiền ăn…

Ngoài 35 tuổi miệt mài rải CV

Trong dãy trọ lụp xụp ở phường Linh Xuân, có lẽ biết được ở cái tuổi ngoài 35 của mình sắp đạt đến ngưỡng “trung niên”, được coi là “già”, nên anh công nhân Cao Văn Chung (36 tuổi) không dám nghỉ việc. Dù biết công việc hằng ngày tiếp xúc với khói bụi độc hại, sức khỏe yếu dần.

Vợ chồng anh Chung gửi 2 con về quê với ông bà, mỗi tháng gửi 6 triệu đồng. 2 người đi làm thường xuyên tăng ca 12 tiếng/ngày, thu nhập mỗi người được hơn 10 triệu đồng/tháng. Họ cho rằng: “Được làm việc như vậy là đã quá ổn định. Chỉ sợ bị sa thải thôi”.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: 8 tháng chật vật gõ cửa 50 công ty - Ảnh 3.

Dãy trọ nơi vợ chồng anh Chung – lao động trên 35 tuổi – đang sống và làm việc 12 tiếng/ngày

Ảnh: Phan Diệp

Dù điều kiện kinh tế ổn nhưng anh Minh cũng lo sốt vó khi phải rải CV đến 50 công ty. Huống hồ là chị Linh, cơm áo gạo tiền “thúc vào lưng” từng giờ. Trường hợp của anh Minh cho thấy kinh nghiệm của người lao động trên 35 tuổi không còn là ưu thế trong mắt nhà tuyển dụng.

Sự sợ hãi của chị Linh không thái quá, khi yêu cầu về sự trẻ trung, khả năng thích nghi với công nghệ ngày càng cao. Còn anh Chung sau gần 20 năm đi qua nhiều công xưởng, anh thuộc lòng yêu cầu tuyển dụng công nhân, tiêu chí về độ tuổi thường 18 – 40 luôn nằm ở dòng đầu tiên.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên với một số người lao động, họ cho rằng doanh nghiệp luôn cần người làm được việc ở mức lương hợp lý, thậm chí là rẻ. Trong khi đó, lao động có kinh nghiệm muốn mức lương xứng đáng, phải cao hơn công ty cũ…

“Ở thời điểm này, tôi chấp nhận mức lương thấp hơn kỳ vọng để được đi làm vì không thể ở nhà quá lâu”, anh Minh nói. Trong khi đó, Linh thì vẫn đang miệt mài rải CV, định xin đi phụ quán cà phê chỉ mong đủ tiền trả phí điện, nước mỗi tháng. “Sức khỏe kém chứ không tôi cũng đăng ký chạy xe ôm công nghệ rồi. Tôi đang thấy bế tắc, lo lắng lắm”, người phụ nữ có một số bệnh nền trong người cho biết.

Với nhiều lao động trên 35 tuổi, việc tìm một công việc tử tế, ổn định, có mức lương đủ sống là hành trình không đơn giản. Từ chỗ từng là trụ cột kinh tế, họ dần rơi vào thế bị động, phải tự điều chỉnh kỳ vọng để phù hợp với thị trường.

Còn bạn, ngoài 35 tuổi, ngay lúc này bạn có dám tự tin đối mặt với nhà tuyển dụng và sẽ tìm được việc dễ dàng với mức lương cao hơn không?


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.