Tài xế bật đèn cảnh báo rồi dừng xe ở đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe, còn ngồi ở ghế lái vẫn bị CSGT thổi phạt, vì sao?
Gần đây, nhiều đội/trạm của Phòng CSGT Công an TP.HCM liên tục tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về dừng đỗ xe. Một số tài xế biết đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe nên đã bật đèn cảnh báo, ngồi trên ghế lái… nhưng vẫn bị CSGT phạt.

CSGT TP.HCM thường xuyên xử lý các vi phạm liên quan dừng đỗ xe sai quy định
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Tài xế nói gì?
Vừa dừng xe đón khách trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu vượt Hàng Xanh ở phường Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh cũ), anh Đinh Hiếu Nghĩa – tài xế taxi hạ kính nói: “Nhờ anh chị tự lên xe giúp em, em không được rời ghế lái”.
Khi khách thắc mắc, tài xế giải thích, do đoạn đường này có biển cấm dừng và đỗ xe, anh phải ngồi trên ghế lái, đồng thời bật đèn cảnh báo để không bị phạt.
Trường hợp khác, anh Hoàng Minh dừng xe ô tô trên đường Lý Tự Trọng – đoạn có cắm biển báo cấm dừng và đỗ xe. Biết có biển báo cấm dừng đỗ, anh ngồi yên trên ghế lái, bật đèn cảnh báo và gọi nhân viên cửa hàng ra để bốc dỡ hàng xuống. Dù vậy, anh Minh vẫn bị CSGT lập biên bản phạt.

Nhiều tài xế ở tỉnh khác đến TP.HCM bị phạt lỗi này
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Tương tự, trường hợp tài xế taxi Đinh Hiếu Nghĩa ở trên, CSGT khẳng định đó là hành vi vi phạm, nếu CSGT tuần tra kiểm soát bắt gặp thì anh sẽ bị lập biên bản phạt. Ngoài ra, trên đường có camera giám sát ghi hình xử phạt qua hình ảnh thì tài xế cũng bị phạt nguội.
Trên mạng xã hội, một số tài xế cũng chia sẻ cách “né” phạt khi dừng đỗ bằng cách bật đèn cảnh báo, không rời ghế lái, bật nắp ca pô.
CSGT nói gì?
Lãnh đạo một đội CSGT cho hay, biển cấm dừng và đỗ xe có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển báo, trừ các xe ưu tiên theo quy định. Đối với các loại xe ô tô buýt chạy theo hành trình quy định thì được hướng dẫn vị trí dừng thích hợp.
Hiệu lực của biển báo cấm dừng và đỗ xe bắt đầu từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc vị trí đặt biển báo “hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng).
Do đó, đoạn đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe thì các phương tiện không được đỗ xe, dừng xe. Đối với các phương tiện bị sự cố bất khả kháng buộc phải dừng ở 1 làn đường xe chạy thì sử dụng đèn cảnh báo hoặc đặt biển cảnh báo.
Như vậy, chỉ xe ưu tiên mới được dừng đỗ ở đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe. Các xe gặp sự cố phải bật đèn cảnh báo hoặc đặt biển cảnh báo.

CSGT ghi hình phạt nguội đối với cả ô tô và xe máy
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Theo CSGT, thực tế qua xử lý, CSGT phát hiện các trường hợp tài xế bật đèn cảnh báo để dừng ở đoạn đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe. Khi CSGT đến kiểm tra, phát hiện xe không bị sự cố nên vẫn lập biên bản vi phạm.
Tương tự, các trường hợp tài xế bật đèn cảnh báo để đón trả khách ở đường có biển báo cấm dừng và đỗ xe cũng bị CSGT lập biên bản xử lý.
“Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm chứng minh xe gặp sự cố bằng hình ảnh, tài liệu nếu bị ghi hình phạt nguội. Do vậy, trường hợp đang lưu thông trên đường mà xe bị sự cố, buộc người điều khiển phương tiện phải dừng đỗ thì tài xế nên quay lại hình ảnh, giữ các tài liệu để chứng minh với CSGT”, lãnh đạo đội CSGT lưu ý.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.