Tiếp nối các hoạt động tri ân tại đặc khu Côn Đảo, đoàn đại biểu TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã đến dâng hương tại đền thờ Côn Đảo.
Sáng 27.7, đoàn đại biểu TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã đến dâng hương tại đền thờ Côn Đảo (thuộc đặc khu Côn Đảo, TP.HCM), nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2025).
Tham dự lễ giỗ và tưởng niệm tại đền thờ Côn Đảo còn có Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Phó bí thư Thành ủy Đặng Minh Thông cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, TP.HCM và đại diện các sở ngành.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác dự lễ giỗ hơn 20.000 chiến sĩ, người dân yêu nước hy sinh tại Côn Đảo
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh ngày 27.7 hằng năm đã khắc sâu vào trí nhớ và trái tim của mỗi người dân Việt Nam trong suốt 78 năm thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Ngày 27.7 cũng là ngày giỗ của hơn 20.000 chiến sĩ, người dân yêu nước và biết bao những người con ưu tú của dân tộc với ý chí kiên trung, bất khuất, không chịu khuất phục, đã hóa thân vào cát bụi, thân xác đã vùi vào lòng đất mẹ Côn Đảo.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dâng hương tại đền thờ Côn Đảo
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Hoạt động dâng hương và tổ chức lễ giỗ nhằm tiếp nối truyền thống về nguồn, tri ân những thương binh, gia đình liệt sĩ và thành kính tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, người dân đã hiến dâng tuổi thanh xuân, cuộc đời mình cho Tổ quốc.
Đây cũng là dịp tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo, thắp nén tâm hương dâng lên anh linh những con người vĩ đại đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thắp hương tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ tại Côn Đảo
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Đoàn đại biểu TP.HCM bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các cô chú cựu tù Côn Đảo.
Trước đó, ngày 26.7, lãnh đạo TP.HCM tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại đặc khu Côn Đảo.
Đoàn công tác cũng trao tặng sách và thiết bị học tập cho giáo viên, học sinh 3 trường học: Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, Trường THCS Lê Hồng Phong và Trường THPT Võ Thị Sáu.

Đông đảo cán bộ, công chức, người dân thắp hương tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Côn Đảo
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Đặc khu Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo, có diện tích đất nổi 76 km² (đảo Côn Sơn lớn nhất, 51,5 km²). Sau khi đất nước thống nhất, ngày 18.9.1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 164 về việc thành lập huyện Côn Sơn trực thuộc TP.HCM.
Sau đó, huyện Côn Sơn đổi tên thành huyện Côn Đảo, sáp nhập vào tỉnh Hậu Giang.
Tháng 5.1979, huyện Côn Đảo sáp nhập với thị xã Vũng Tàu và xã Long Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai) thành đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương.
Năm 1991, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo giải thể và Côn Đảo trở thành huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ tháng 7.2025, Côn Đảo là đặc khu thuộc TP.HCM.
Hơn 20.000 chiến sĩ, đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo
Theo thống kê, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, có hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo.
Trong đó, nghĩa trang Hàng Dương có 1.922 ngôi mộ của các chiến sĩ qua nhiều thế hệ bị giặc bắt tù đày. Nghĩa trang Hàng Keo là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940 – 1941.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.