Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg?

Kiên trì lai tạo và xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ rộng 40 ha, nông dân Trần Văn Phục đã tạo nên thương hiệu mận hồng Sân Tiên chinh phục thị trường trái cây cao cấp, với giá lên tới 230.000 đồng/kg.

Nằm biệt lập giữa sông Hậu, Cù Lao Dung không chỉ nổi tiếng với những vườn cây ăn trái mà còn là nơi khởi nguồn của giống mận hồng Sân Tiên – sản phẩm trái cây hữu cơ cao cấp đang được săn đón. Chủ nhân của giống mận này là ông Trần Văn Phục (50 tuổi, ngụ xã Cù Lao Dung, TP.Cần Thơ – trước đây là H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng).

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 1.

Khi chín, mận hồng Sân Tiên có màu hồng đậm bắt mắt, trái lớn, giòn, ngọt, thơm nhẹ và ráo nước, phù hợp vận chuyển xa

ẢNH: DUY TÂN

Chọn sản xuất hữu cơ để đi đường dài

Năm 2021, sau khi lai tạo thành công giống mận hồng Sân Tiên, ông Phục bắt đầu trồng đại trà và xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn. Khác với cách làm truyền thống, ông xác định ngay từ đầu là đi theo hướng sản xuất hữu cơ. “Nếu muốn đi đường dài thì làm nông nghiệp phải sạch, bền vững và minh bạch từ đầu vào đến đầu ra”, ông Phục nói.

Ông đầu tư hệ thống trồng mận theo mật độ khoa học khoảng 40 cây/1.000m2, mỗi cây cách nhau 4m, đảm bảo độ thông thoáng và phát triển đều. Quy trình chăm sóc được kiểm soát chặt chẽ, giảm dần phân hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ. Mỗi trái mận khi hình thành đều được bao trái 2 lần, nhằm cách ly hoàn toàn với thuốc bảo vệ thực vật.

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 2.

Vườn mận hồng Sân Tiên rộng 40 ha của ông Phục

ẢNH: DUY TÂN

Khi chín, mận có màu hồng đậm bắt mắt, trái lớn (4 – 5 trái/kg), giòn, ngọt, thơm nhẹ và ráo nước, rất phù hợp vận chuyển xa. Trung bình sau 14 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch và có thể ra 3 vụ mỗi năm, năng suất 20 tấn/ha.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới chứng nhận hữu cơ, mận hồng Sân Tiên hiện đã có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp… với giá bán lên đến 230.000 đồng/kg (nếu đạt độ đường 15%).

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 3.

Ông Phục tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới chứng nhận hữu cơ

ẢNH: DUY TÂN

Mận hồng Sân Tiên chinh phục thị trường cao cấp

Để tạo lợi thế cạnh tranh, ông Phục đầu tư đầy đủ thiết bị sau thu hoạch như kho lạnh đạt chuẩn 12 độ C, hệ thống rửa trái cây bằng nguồn nước đạt chuẩn, quy trình phân loại, đóng gói chuyên nghiệp. Đặc biệt, mỗi lô hàng đều trải qua kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu hóa chất tăng trưởng, đất, nước… với chi phí hơn 100 triệu đồng/lần, đảm bảo sự minh bạch và an toàn tuyệt đối.

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 4.

Mận hồng Sân Tiên đóng hộp bán ra thị trường cao cấp

ẢNH: DUY TÂN

Hiện, thương hiệu mận hồng Sân Tiên đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Không dừng lại ở đó, ông Phục đang hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng nhận hữu cơ quốc gia, đồng thời phát triển thêm sản phẩm chế biến sâu từ mận như: mận sấy dẻo, nước ép, rượu mận, trà hoa mận…

Ông Phục xác định, làm mận hữu cơ không đơn thuần là bán trái cây sạch mà còn là hành trình xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng. Vườn mận 40 ha đang được quy hoạch trở thành điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, với hồ trữ nước 4 ha và hạ tầng phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng. “Chúng tôi muốn du khách không chỉ mua mận mà còn hiểu được quy trình sản xuất, cảm nhận sự tử tế và trách nhiệm trong từng sản phẩm”, ông Phục chia sẻ.

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 5.

Giống mận Sân Tiên trồng khoảng 14 tháng bắt đầu cho trái

ẢNH: DUY TÂN

Trong tương lai gần, ông dự kiến xây dựng nhà máy đạt chuẩn HACCP, khép kín chuỗi từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ. Ông cũng đang lai tạo giống mận mới có trọng lượng chỉ 2 trái/kg, độ đường cao hơn nhiều lần so với mận hồng hiện tại.

Sắp tới, khi cầu Đại Ngãi nối liền Cù Lao Dung với trung tâm TP.Cần Thơ hoàn thành, thời gian vận chuyển rút ngắn 3 – 4 giờ sẽ giúp mận hữu cơ giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị kinh tế và tạo tiền đề cho du lịch sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn.

Mận hồng Sân Tiên ở miền Tây có gì lạ mà giá tới 230.000 đồng/kg? - Ảnh 6.

Ông Phục đầu tư thiết bị sau thu hoạch như kho lạnh, hệ thống rửa trái cây, quy trình phân loại, đóng gói chuyên nghiệp

ẢNH: DUY TÂN

“Cù Lao Dung được quy hoạch phát triển nông nghiệp sạch kết hợp du lịch. Mô hình mận hồng Sân Tiên là hướng đi đúng, nếu không ‘bơi ngược dòng’, chắc chắn sẽ phát triển bền vững”, ông Phục tin tưởng.

Từ một nông dân trồng mận hồng, ông Phục đã trở thành người tiên phong trong xu hướng làm nông sạch, bền vững và chuyên nghiệp. Mỗi trái mận hữu cơ được bán ra thị trường không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà còn là kết tinh của tri thức, sự kiên định và cả một hành trình nỗ lực làm nông tử tế.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.