Việc sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh hay biểu thuế lũy tiến trong quy định thuế thu nhập cá nhân cần hợp lý.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và hồ sơ dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Nhiều chuyên gia cho rằng, phương án điều chỉnh mà cơ quan soạn thảo đưa ra vẫn chưa hợp lý.
Hưởng lợi 4,5 triệu đồng hay 200.000 đồng?
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mức tăng thu nhập bình quân đầu người cùng tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Thứ nhất, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng CPI theo quy định. Cụ thể, tăng giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Thứ hai, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Theo đó, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023 có gần 2,6 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (thuế suất 5%). Như vậy, khả năng nếu mức giảm trừ gia cảnh lên 13,3 triệu đồng hay 15,5 triệu đồng/tháng thì nhiều người đang chịu thuế ở bậc 1 sẽ không phải đóng thuế.

Tăng giảm trừ gia cảnh đồng thời thay đổi ngưỡng chịu thuế do lạm phát mới đảm bảo đời sống người nộp thuế thu nhập cá nhân
ẢNH: NHẬT THỊNH
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, cho rằng nhiều người nộp thuế chỉ chú ý đến mức giảm trừ gia cảnh và nghĩ rằng nhà nước tăng mức giảm trừ lên bao nhiêu thì mình sẽ được lợi thêm bấy nhiêu. Chẳng hạn, nếu tăng mức giảm trừ từ 11 triệu đồng/tháng lên 15,5 triệu đồng thì người nộp thuế được lợi thêm 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn bởi thực tế nhà nước chỉ đánh thuế với một mức thuế suất nhất định lên 4,5 triệu đồng đó nếu không được giảm trừ. Ví dụ, một người có thu nhập trước thuế 15 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng sẽ chịu thuế 5% trên phần thu nhập chịu thuế (là thu nhập sau khi được giảm trừ gia cảnh) 4 triệu đồng. Tương ứng số tiền thuế phải nộp là 200.000 đồng. Nếu giảm trừ gia cảnh tăng lên 15,5 triệu đồng thì người này sẽ không còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng nghĩa là có thêm 200.000 đồng để chi tiêu cho bản thân mà không phải nộp cho nhà nước.
“Việc được giảm số tiền thuế khi được tăng mức giảm trừ gia cảnh không nhiều. Điều này để nói rằng, không nên chỉ tập trung vào mức giảm trừ gia cảnh mà quên mất các ngưỡng thu nhập tính thuế trong biểu thuế lũy tiến. Các ngưỡng tính thuế cũng phải được điều chỉnh cho mức độ trượt giá theo thời gian. Hệ thống thuế các nước phát triển đều điều chỉnh mức trượt giá theo tỷ lệ lạm phát hàng năm, đảm bảo duy trì mức sống của người dân và sự sòng phẳng, công bằng”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Điều chỉnh biểu thuế lũy tiến hợp lý hơn
Riêng đối với biểu thuế lũy tiến thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án đều rút gọn từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc. Cả hai phương án điều chỉnh biểu thuế lũy tiến có giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhưng vẫn giữ nguyên thuế suất cao nhất là 35%. Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cả hai phương án trong dự thảo vẫn chưa phù hợp.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích: Biểu thuế lũy tiến trong thuế thu nhập cá nhân đã được xây dựng cách đây 16 năm. Trong quá trình vừa qua đã có 2 lần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng biểu thuế lũy tiến vẫn không thay đổi. Đây là bất cập nghiêm trọng trong chính sách thuế. Bởi thực tế theo thời gian, thu nhập của người nộp thuế gia tăng vì kinh tế xã hội phát triển nhưng biểu thuế đứng yên thì người nộp thuế sẽ phải chuyển lên nộp bậc thuế cao hơn, đồng nghĩa số thuế phải nộp nhiều hơn. Trong khi đó, đáng lý những lần điều chỉnh tăng giảm trừ gia cảnh theo lạm phát để đảm đảm đời sống cho người nộp thuế thì phải điều chỉnh tương ứng đối với các ngưỡng chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến. Ví dụ, khi tăng giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tương ứng tăng hơn 20% thì phải nâng ngưỡng chịu thuế lên 20%. Cụ thể, bậc 1 từ 0 – 5 triệu đồng cũng phải được nâng lên thành từ 0 – 6 triệu đồng và các bậc thuế sau đó cũng tương tự…

So sánh biểu thuế thu nhập cá nhân
ẢNH: ĐỖ THIÊN ANH TUẤN
Một cách khác, sau 16 năm kể từ khi chính sách thuế thu nhập cá nhân được ban hành thì mức trượt giá là 2,15 lần. Điều này có nghĩa cứ 100 đồng cách đây 16 năm thì bây giờ phải là 215 đồng thì mới có sức mua tương đương. Như vậy, bậc 1 áp dụng cho thu nhập chịu thuế từ 0 – 5 triệu đồng thì phải được điều chỉnh lên từ 0 – 10,75 triệu đồng ( 5 triệu đồng x 2,15). Hoặc bậc 7 với thuế suất cao nhất 35% áp dụng cho thu nhập chịu thuế trên 80 triệu đồng/tháng trở lên thì đến nay phải tính từ trên 172 triệu đồng trở lên (80 triệu đồng x 2,15).
“Nhà nước phải điều chỉnh ngưỡng chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến theo lạm phát để đảm bảo đời sống cho người nộp thuế. Người dân sẽ không quan tâm đến biểu thuế gồm bao nhiêu bậc mà họ chỉ quan tâm đến ngưỡng chịu thuế như thế nào. Ví dụ, họ sẽ quan tâm thu nhập bao nhiêu sẽ phải nộp thuế và đến bao nhiêu thì bị tăng bậc thuế. Hiện nay, không ai nói là người có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là người giàu như gần 20 năm trước. Vì vậy, việc giữ nguyên ngưỡng thuế này khiến chính sách thuế không mang tính khuyến khích người dân đi làm, có động lực phát triển”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ thêm.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, cũng đề xuất nên rút biểu thuế lũy tiến xuống ở mức 5 bậc để giữ sự phân hóa hợp lý giữa nhóm thu nhập trung bình, khá và cao. Cụ thể, bậc 1 áp dụng cho thu nhập tính thuế từ 18 – 25 triệu đồng/tháng có thuế suất 5%; bậc 2 từ trên 25 – 80 triệu đồng/tháng có thuế suất từ 10 – 15%; bậc 3 dành cho thu thập tính thuế trên 80 – 200 triệu đồng là thuế suất 20%; bậc 4 áp dụng cho thu nhập trên 200 – 400 triệu đồng có thuế suất từ 25 – 30%; bậc 5 áp dụng cho thu nhập tính thuế trên 400 triệu đồng/tháng với thuế suất 35%. Thậm chí, đối với các bậc thuế cao hơn, có thể nghiên cứu khả năng bổ sung một bậc thuế suất cao hơn để áp dụng đối với phần thu nhập rất cao (ví dụ, từ 400 triệu đồng/tháng trở lên), với mức thuế suất có thể nằm trong khoảng 35 – 40%. Phương án này có thể giúp giảm bớt gánh nặng thuế và tạo điều kiện thu hút, giữ chân người lao động có trình độ chuyên môn, quản lý, vốn đang ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn, giúp cân đối tốt hơn giữa mục tiêu điều tiết thu nhập và mục tiêu khuyến khích lao động, sáng tạo.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về biểu thuế lũy tiến thuế thu nhập cá nhân
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.