Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà chưa hấp dẫn

Bộ Công thương vừa có đề xuất hỗ trợ bằng tài chính cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện. Đây cũng là một trong những chính sách thúc đẩy tăng nguồn điện trong bối cảnh tiến tới chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe dùng điện.

Đề xuất hỗ trợ chưa hấp dẫn

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện do Bộ Công thương soạn thảo, mức hỗ trợ cho hộ gia đình lắp điện mái nhà để sử dụng tối đa là 500.000 đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống (các tấm pin mặt trời), mức hỗ trợ không vượt quá 2,5 triệu đồng cho một hộ gia đình. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất áp dụng mức lãi suất vay thương mại để đầu tư ngắn hạn với hộ gia đình gắn điện mặt trời mái nhà để dùng, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm và số tiền được vay tối đa 7 triệu đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện, nhưng không vượt quá 35 triệu đồng. Giai đoạn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với hộ gia đình lắp đặt điện tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện đến hết năm 2030, sau đó thì tùy tình hình thực tế để có đề xuất phù hợp.

Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà chưa hấp dẫn- Ảnh 1.

Bộ Công thương vừa có đề xuất hỗ trợ hộ gia đình gắn điện mặt trời mái nhà tối đa 2,5 triệu đồng/hộ

ẢNH: H.H

Chuyên gia năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, nhận xét đề xuất hỗ trợ này nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu điện. Nếu nhiều hộ gia đình tự đầu tư điện mặt trời để dùng, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh có nhu cầu tiêu thụ điện trong ngày cao, thì áp lực thiếu điện, áp lực đầu tư nguồn lớn… sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, tuy là khuyến khích tự sản, tự tiêu, nhưng nếu cơ chế hiệu quả, sẽ thúc đẩy người dân chung tay với nhà nước phát triển nguồn năng lượng sạch giúp giảm phát thải, tiến đến net zero vào năm 2050. Cùng với đó, lộ trình chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe điện tại các thành phố lớn cũng bắt đầu thì việc tăng nguồn điện nhằm bảo đảm nhu cầu là điều bắt buộc.

Chính phủ nên mở rộng để người dân đồng hành với nhà nước bằng cách tháo bung cho hộ gia đình lắp điện mặt trời được dùng và được bán. Có thể không cần hỗ trợ tiền bạc nhưng nên cho lắp đồng hồ 2 chiều theo cơ chế bù trừ (net-metering), để người dân dùng và mua thêm từ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khi thiếu, bán ra khi thừa. Cơ chế bù trừ có lợi cho người dân là phát lên lưới vào ban ngày, dùng ban đêm.

TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN)

“Với mức hỗ trợ hộ gia đình bằng tiền tối đa 2,5 triệu đồng và cho vay ưu đãi tối đa 35 triệu đồng… cho một hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà, tức là chỉ hỗ trợ tối đa cho một suất đầu tư với tổng công suất 5 kWp điện mặt trời, theo tôi mức hỗ trợ này cần nhích thêm một chút bởi trong thực tế, đa số hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng có tổng công suất bình quân khoảng 6 kWp, tương đương chi phí đầu tư lên gần 50 triệu đồng. Một số hộ đầu tư lớn hơn có thể trên 10 kWp với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, vẫn chung mục đích “tự sản, tự tiêu”. Chưa kể hiện nay, nhiều hộ gia đình rất mong muốn sử dụng hệ thống có lưu trữ điện năng để có thể sử dụng năng lượng mặt trời vào ban đêm. Thế nên, mức hỗ trợ đầu tư nên chăng tính theo phần trăm trên tổng mức đầu tư của hộ gia đình, thay vì cố định 2,5 triệu đồng hay cho vay tối đa 35 triệu đồng…”, ông Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất hỗ trợ cho hộ gia đình đầu tư pin lưu trữ, áp dụng đối với các hộ gia đình đã đầu tư điện mặt trời mái nhà trước đây. Hệ thống pin này có thể thay thế cho máy phát nên chi phí đầu tư ban đầu khá cao, dao động từ 80 – 150 triệu cho 1 hệ thống.

“Nếu hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 1 kWp thì cũng hạn chế quá. Trong khi đó, xu hướng bắt buộc là phải chuyển đổi dần sang sử dụng xe điện, giảm xe xăng, nguồn cung cấp điện hiện nay là rất cấp thiết. Việc thúc đẩy phát triển nguồn, trong đó nguồn điện mặt trời là nhanh nhất, cần có giải pháp đột phá, nhanh mới kịp đồng bộ với bối cảnh hiện nay. Chính sách hỗ trợ bằng tài chính này chưa thực sự hấp dẫn”, ông Nguyễn Quốc Việt bổ sung.

Tăng hỗ trợ để tăng nguồn

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng việc thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả trong thời điểm này. Song điện mặt trời chỉ có vào ban ngày, trong khi nhu cầu sử dụng với hộ gia đình tập trung chủ yếu là ban đêm, kể cả nhu cầu sạc pin cho xe điện nói chung. Thế nên, mức hỗ trợ cho hộ gia đình theo dự thảo là “chưa bõ bèn” gì so với thực tế.

“Muốn khuyến khích người dân tự đầu tư nguồn để gia đình sử dụng phải khuyến khích đầu tư pin lưu trữ, tăng mức hỗ trợ lên. Gia đình thường dùng điện vào ban đêm, ban ngày đi làm có mấy ai ở nhà. Trong khi đó, giá pin lưu trữ lúc này đang rất cao, một hệ thống nhỏ lên cả trăm triệu đồng. Nhìn vậy sẽ thấy, mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng không hấp dẫn và thiếu tính thực tế, khó đạt yếu tố khuyến khích như kỳ vọng”, ông Đào Nhật Đình nói thẳng.

Góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN), nhấn mạnh khi lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện được triển khai rộng khắp hơn thì rõ ràng nhu cầu về điện sẽ tăng mạnh. Thế nên, nhằm giải quyết bài toán điện trước mắt, cần tăng tốc cho người dân đồng hành với Chính phủ để phát triển điện mặt trời mái nhà với chi phí thấp.

“Theo tôi, đề xuất về hỗ trợ tài chính cũng tốt; song để hiện thực hóa một cơ chế mới, Chính phủ nên mở rộng để người dân đồng hành với nhà nước bằng cách tháo bung cho hộ gia đình lắp điện mặt trời được dùng và được bán. Có thể không cần hỗ trợ tiền bạc nhưng nên cho lắp đồng hồ 2 chiều theo cơ chế bù trừ (net-metering), để người dân dùng và mua thêm từ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khi thiếu, bán ra khi thừa. Cơ chế bù trừ có lợi cho người dân là phát lên lưới vào ban ngày, dùng ban đêm. Mức chuyển đổi có thể 3 – 4 kWh điện mặt trời ban ngày phát lên, được bù cho 1 kWh điện ban đêm từ hệ thống…”, TS Trần Đình Bá nhấn mạnh. Dù vậy, ông Trần Đình Bá cũng cho biết bản thân không khuyến khích việc để hộ gia đình đầu tư pin lưu trữ bởi “vừa tốn kém vừa ít an toàn”. 

Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và nhằm vào đối tượng là tòa nhà, công sở, hộ sản xuất kinh doanh, nhà máy… hơn là các hộ có nhu cầu dùng điện thấp. Đa số sử dụng điện vào ban ngày và cũng vì nhu cầu, nên họ sẵn sàng đầu tư thêm hệ thống pin lưu trữ…

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.