Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17 – 18 triệu đồng/tháng

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng cần tăng thêm mức nâng giảm trừ gia cảnh (GTGC) để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đề nghị tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh

Tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm trừ tăng lên 13,3 triệu đồng/tháng và 15,5 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế. Còn người phụ thuộc cũng có 2 mức đang lấy ý kiến là 5,3 triệu đồng/tháng và 6,2 triệu đồng/tháng.

TS Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội kiến nghị có thể điều chỉnh mức GTGC lên 17 – 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Theo ông Tú, từ ngày 1.1.2026, quy định cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế (thuế giá trị gia tăng và TNCN). Tính ra, bình quân mỗi tháng khoảng 16,7 triệu đồng. Do đó, mức GTGC cho người nộp thuế lên 17 triệu đồng/tháng nhằm tránh sự bất cập giữa các đối tượng thuế.

Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17 - 18 triệu đồng/tháng- Ảnh 1.

Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó đề xuất điều chỉnh tăng 7,2% so với mức hiện hành. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2026, tăng dự kiến từ 250.000 – 300.000 đồng. Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng được đề xuất như sau: vùng I là 5,31 triệu đồng/tháng, vùng II 4,73 triệu đồng/tháng, vùng III 4,14 triệu đồng/tháng và vùng IV 3,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, đến năm 2026, thu nhập của người nộp thuế tăng lên mà mức GTGC điều chỉnh hiện nay ở mức thấp thì lúc đó không còn nhiều ý nghĩa. 

“Rất tiếc là hiệu lực đưa ra lấy ý kiến cho mức GTGC mới được tính cho kỳ tính thuế năm 2026. Thực tế, chỉ số CPI từ năm 2020 đến hết năm 2025 đã lên hơn 21% thì nên tính cho kỳ tính thuế 2025 thì người nộp thuế sẽ thấy được đồng hành, chia sẻ hơn”, ông Nguyễn Ngọc Tú nói.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng, trong 2 phương án điều chỉnh mức GTGC thì phương án 2 phù hợp hơn. Dù rằng phương án này vẫn chưa tính đến các chi phí thiết yếu khác như lãi vay căn nhà đầu tiên (nhu cầu ở), chi phí đào tạo của cha mẹ và con cái (nhu cầu học tập) và chi phí bệnh hiểm nghèo của cha mẹ, vợ chồng, con (nhu cầu khám chữa bệnh). Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu ăn ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh… có tốc độ tăng giá cao hơn nhiều so với chỉ số CPI 6 tháng, dự báo còn tăng nhanh vào 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ ngành kiến nghị giảm trừ gia cảnh lên 17 – 18 triệu đồng/tháng

Trước đó, tại bảng tổng hợp ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế TNCN, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,9 triệu đồng/tháng. Lý do, mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng, đến nay (tháng 12/2024) mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.

Tương tự, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị mức GTGC đối với người nộp thuế là 18 triệu đồng/tháng (216 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng. Lý do, mức lương cơ sở đã tăng 2,03 lần (từ 1,150 triệu đồng năm 2013 lên 2,340 triệu đồng), do đó đề nghị điều chỉnh tăng mức giảm trừ phù hợp với tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở.

Còn UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Sơn La cũng đề xuất mức GTGC tăng lên 14 – 16 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Lý do, bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người; nên có chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục bằng cách giảm trừ thuế nhiều hơn cho chi phí học tập và các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn. Đồng thời quy định bổ sung các khoản giảm trừ để hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt: người lao động là cha/mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo nên được áp dụng mức giảm trừ cao hơn.

Như vậy, Ban soạn thảo tờ trình Nghị quyết cân nhắc tăng mức GTGC mới hiện đang lấy ý kiến áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2026 để đến khi luật mới ban hành không tạo ra quá nhiều chênh lệch.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.