TP.HCM mới mở rộng gấp 3 lần về diện tích, tăng hơn 1,5 lần dân số, đòi hỏi hệ thống giao thông cần nhanh chóng được hoàn thiện để phục vụ nhu cầu di chuyển ngày càng tăng cao trong nội thành.
Cấp bách giảm tải cho các tuyến cao tốc, quốc lộ
Gần 1 tuần qua, việc đóng một phần cao tốc để thi công sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành cùng lúc đóng nút giao DT743 – QL1 để thi công nút giao Tân Vạn (dự án đường Vành đai 3) khiến ùn ứ giao thông lan rộng. Để giảm tải, Phòng CSGT, Công an TP.HCM và Công an tỉnh Đồng Nai đã có hướng dẫn phương tiện lộ trình di chuyển thay thế tránh ùn tắc. Tuy nhiên, các bác tài “né” ùn đường này lại gặp tắc đường kia.

Dòng xe nối đuôi nhau xếp hàng trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Ảnh: CTV
Trước khi tiến hành đóng 1 làn đường để sửa chữa, cao tốc HLD và QL51 từ đầu tháng 7 đến nay cũng ghi nhận nhu cầu di chuyển tăng cao hơn sau khi TP.HCM chính thức sáp nhập với Bà Rịa-Vũng Tàu. Chỉ tính việc mỗi ngày hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc ở TP.HCM nhưng có nhà ở tại Bà Rịa-Vũng Tàu di chuyển 2 chiều cũng đã tạo thêm áp lực rất lớn cho tuyến đường vốn đã quá tải nghiêm trọng.
Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết đơn vị này đang triển khai các thủ tục nhằm phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đặt mục tiêu khởi công mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành vào ngày 19.8 tới. Theo đó, cao tốc TP.HCM – Long Thành từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 21 km sẽ mở rộng lên 8 làn xe đoạn Vành đai 2 – Vành đai 3 và 10 làn xe đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép VEC thực hiện dự án theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp nhằm cơ bản hoàn thành dự án ngay vào năm sau, giảm ùn tắc cho tuyến cao tốc huyết mạch này.
Để đồng bộ, TP.HCM cũng phân bổ thêm gần 200 tỉ đồng cho dự án mở rộng đường nối cao tốc HLD (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2) từ 4 lên 8 làn xe, khởi công vào tháng 9 năm nay. Dự án kết hợp với nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy đang triển khai để tạo thành một mạng lưới liên thông, hoàn chỉnh, nâng cao năng lực kết nối cho toàn khu vực phía đông TP.
Tương tự, các dự án kết nối nội khu cũng đang được TP chạy nước rút. Ngày 19.8, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ khánh thành cầu Nhơn Trạch, kết nối từ đầu tuyến phía Đồng Nai sang bờ TP.HCM. Người dân từ TP.HCM đi Đồng Nai có thể rẽ phải, đi theo tỉnh lộ 25B, giảm áp lực cho cao tốc HLD đang quá tải. Cùng ngày 19.8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) sẽ cho thông xe đoạn Vành đai 3 TP.HCM từ nút giao cao tốc HLD đến cầu Nhơn Trạch, giảm ách tắc cho các tuyến cao tốc cũng như hệ thống đường nội thị TP.HCM. Ngày 31.12, Ban Giao thông sẽ tiếp tục thông xe 14,7 km cầu cạn (đường trên cao) từ nút giao cao tốc HLD đến nút giao Tân Vạn; đồng thời, thông xe kỹ thuật 32,6 km đường cao tốc đi qua các huyện cũ của TP.HCM (Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh). Ngày 30.6.2026, thông xe toàn bộ 47 km Vành đai 3 đoạn tuyến qua TP.HCM.
Cùng với đó, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đang chạy tiến độ với mục tiêu lần lượt đưa vào khai thác trong năm nay, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM (cũ) đi Vũng Tàu (cũ) và ngược lại chỉ còn khoảng 70 phút.
Trong khi đó, hướng về Bình Dương (cũ), vốn đang “nghẽn” tại tuyến huyết mạch kết nối là QL13 hướng cửa ngõ phía bắc, cũng sẽ sớm được giải quyết sau khi TP.HCM khởi công dự án mở rộng QL13, từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước.
Song song, Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự kiến sẽ khởi công ngay đoạn qua Bình Dương (cũ) dài 47,95 km. Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành vừa khởi công hồi tháng 2 cũng dự kiến hoàn thành năm 2027, trực tiếp kết nối vùng lõi TP.HCM với trung tâm hành chính Bình Dương (cũ), Đồng Nai và khu vực Tây nguyên.

Ô tô “né” cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang sửa chữa lại phải xếp hàng chờ qua phà Cát Lái
Ảnh: TRẦN DUY KHÁNH
Rục rịch các “siêu dự án”
Thực tế, các dự án kể trên đều đã nằm trong danh sách công trình cấp bách kết nối liên vùng mà các địa phương trước khi sáp nhập mong muốn thực hiện từ nhiều năm trước. Để tạo động lực cho TP.HCM trong vận hội mới, các “siêu dự án” đang được rục rịch triển khai.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin TP đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng dự án Xây dựng đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn), mở đầu cho dải đại lộ ven sông Sài Gòn – Huỳnh Tấn Phát dài 78,2 km đã được quy hoạch với quy mô 4 – 8 làn nối liền từ Tây Ninh đến xã Bình Khánh (H.Cần Giờ cũ). Tuyến đường không chỉ kết nối giao thông khu vực phía bắc với trung tâm TP mà còn kết nối với các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4, cao tốc Bến Lức – Long Thành tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các tuyến QL22, QL13, đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành; kết nối các trục ngang liên kết với Bình Dương (cũ) qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc… góp phần giảm tải cho QL13…
Trước sáp nhập, tỉnh Bình Dương (cũ) cũng đã quy hoạch 98,2 km đường ven sông Sài Gòn chạy dọc theo sông Sài Gòn, kéo dài từ H.Dầu Tiếng (cũ) đến TP.Thủ Đức (cũ). Sau khi nghiên cứu tổng thể, Sở Xây dựng quyết định giữ nguyên hiện trạng quy hoạch để phù hợp thực tế và đảm bảo tiết kiệm nguồn lực. Riêng đoạn từ Cảng An Sơn đến đường Vành đai 3 TP.HCM, do có nhu cầu kết nối giao thông lớn và phục vụ vận chuyển hàng hóa, nên được điều chỉnh mở rộng nền đường lên 42 m. Như vậy, TP.HCM mới sẽ chuẩn bị được triển khai xây dựng dải đại lộ ven sông Sài Gòn 176 km.
“Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án được đưa vào vận hành còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế lớn của TP sau sáp nhập”, đại diện Sở Xây dựng chia sẻ.
Đặc biệt, theo lãnh đạo TP.HCM, vai trò của hệ thống giao thông có sức chuyên chở lớn như metro đối với một siêu đô thị như TP hiện nay càng trở nên cấp bách. Do đó, ngay sau khi sáp nhập, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ và bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 2 tuyến metro mới đi trên cao, kết nối trung tâm TP với khu vực Bình Dương (cũ) đã được tỉnh Bình Dương (cũ) nghiên cứu. Trong đó, tuyến kéo dài metro số 1 (Suối Tiên – TP mới Bình Dương) dài 29,01 km đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước. Dự án được đề xuất thực hiện ngay trong giai đoạn 2025 – 2031 bằng hình thức đầu tư công. Tuyến số 2 (Thủ Dầu Một – TP.HCM) dài 21,87 km, bắt đầu từ khu vực ga S5 của tuyến đường sắt đô thị số 1, thuộc P.Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một cũ) sẽ kết thúc tại P.Vĩnh Phú (TP.Thuận An cũ), kết nối với metro số 3 của TP.HCM tại khu vực Hiệp Bình Phước cũ.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình và tầm nhìn mới, phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính, tham mưu UBND TP kế hoạch triển khai ngay trong tháng 7.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.