Bão số 3 khiến lũ sông Mekong lên nhanh

Bão số 3 (Wipha) đang hoạt động trên biển Đông gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong từ ngày 21 – 25.7, làm mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong tăng cao trong tuần tới.

Lũ hạ lưu sông Mekong lên cao ngay đầu vụ

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: Hiện nay đang trong thời kỳ lũ đầu vụ, mực nước trên dòng chính sông Mekong đang ở mức cao và có xu thế tăng mạnh trong tuần qua. Đến ngày 19.7 mực nước tại Kratie (Campuchia) là 17,57m; cao hơn trung bình nhiều năm 3m nhưng thấp hơn năm 2018 (lũ lớn) là 1,37m. Trong tuần tới, mực nước sông Mekong tiếp tục tăng nhanh vì ảnh hưởng bão số 3.

Bão số 3 khiến lũ sông Mekong lên nhanh  - Ảnh 1.

Bão số 3 (Wipha) gây mưa lớn cho khu vực hạ lưu vực, khiến lũ sông Mekong lên nhanh trong tuần tới

ẢNH: THANH QUỐC

Còn mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tuần qua cũng đang ở mức khá cao và có xu thế tăng. Đến ngày 18.7, mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 2,07m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,23m, cao hơn năm 2024 là 0,69 m nhưng thấp hơn năm 2018 là 0,32m. Tại Châu Đốc đạt 2,03 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,37 m,  cao hơn năm 2024 là 0,56 m nhưng thấp hơn năm 2018 là 0,14 m.

Mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 3 xảy ra trên lưu vực hạ lưu sông Mekong là khá lớn, đặc biệt trên khu vực thượng trung Lào vào ngày 22.7 và khu vực hạ Lào vào ngày 25.7. Vì vậy, nguồn nước trên dòng chính sông Mekong trong tuần tới sẽ tăng khá mạnh.

Dự báo nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng từ nay tới đến cuối tháng 7, đỉnh lũ đến 31.7. Tại Tân Châu nhận định đạt khoảng 2,25 – 2,35m, lũ nội đồng ĐBSCL có xu thế tăng và biến đổi mạnh theo triều.

Vì vậy, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Thủy điện thượng nguồn tích hàng tỉ mét khối nước, dòng chảy sông Mekong đứt đoạn

Năm nay, mùa mưa đến sớm và ngay đầu mùa đã xuất hiện mưa lớn ở nhiều khu vực giúp dòng chảy sông Mekong đạt mức bình thường hoặc cao hơn bình thường trên toàn lưu vực. 

Cập nhật từ MDM (Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mekong) cho thấy, chỉ riêng tuần từ ngày 7 – 13.7, các con đập lớn trên lưu vực sông Mekong đã tích trữ một lượng nước đáng kể với 1,1 tỉ mét khối. Các đợt tích nước lớn nhất đến từ đập Tiểu Loan (Trung Quốc) và Nam Ngum 1 (Lào3). “Việc tích nước với quy mô lớn này sẽ làm suy giảm cường độ nhịp lũ của sông Mekong trong những tuần tới”, báo cáo dự báo.

Tuy nhiên, ngay đầu mùa mưa lũ các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong đã tích một lượng lớn nước. Cụ thể, trong tháng 6 các đập thủy điện của Trung Quốc đã tích trữ hơn 3 tỉ mét khối nước. Điều này dẫn đến những biến động khác nhau dọc theo dòng sông Mekong. Cụ thể như tại Chiang Saen (Thái Lan), nếu không có sự can thiệp từ các con đập, lưu lượng dòng chảy tự nhiên có thể cao hơn khoảng 30% so với mức ghi nhận hiện tại. Và ở Stung Treng (Campuchia), nếu không có hoạt động tích nước từ các đập của Trung Quốc, lưu lượng dòng chảy có thể đã cao hơn khoảng 43% so với mức bình thường.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.