Phát hiện thành viên mới của hệ mặt trời: 'hóa thạch' từ thuở hồng hoang

Hệ mặt trời bất ngờ có thành viên mới, là một thiên thể được phát hiện nằm ngoài sao Hải Vương và sao Diêm Vương, buộc giới thiên văn học phải suy ngẫm lại lịch sử của Thái Dương hệ.

Complete Guide To ‘Ammonite,’ The Solar System’s Latest Member - Ảnh 1.

Quỹ đạo 2023 KQ14 (màu đỏ) so với quỹ đạo của các sednoid khác

ảnh: NAOJ

Thiên thể có tên 2023 KQ14 và được đặt biệt danh “Ammonite”. Sau đây là những điều cần biết về thành viên mới của hệ mặt trời, vốn là một hóa thạch ở rìa Thái Dương hệ.

Ammonite là hành tinh hay hành tinh lùn?

Ammonite không được xếp loại là hành tinh. Nó cũng không phải là hành tinh lùn như sao Diêm Vương hoặc Ceres, Haumea, Makemake và Eris.

Thay vào đó, Ammonite được xếp vào nhóm gọi là sednoid, chỉ những thiên thể giống như Sedna, một ứng viên hành tinh lùn được phát hiện năm 2003.

Như Sedna, Ammonite có quỹ đạo rất lệch tâm và nằm ở rìa hệ mặt trời. Đây là sednoid thứ tư từng được phát hiện, sau Sedna, Biden, và Leleākūhonua.

Dựa trên lượng phản xạ ánh sáng mặt trời, các chuyên gia ước tính Ammonite có đường kính từ 220 đến 380 km, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy. Để so sánh, sao Diêm Vương có đường kính khoảng 2.377 km và thông số của trái đất là khoảng 12.756 km.

Hệ mặt trời được đo đạc dựa trên khoảng cách mặt trời – trái đất, gọi là đơn vị thiên văn (AU). Vào thời điểm được phát hiện, Ammonite cách mặt trời 71 AU, tức xa gấp đôi sao Hải Vương (30 AU) và sao Diêm Vương (40 AU).

Tuy nhiên, quỹ đạo của Ammonite như hình ê líp dài và hẹp, với khoảng cách xa mặt trời nhất lên đến 342 AU. Phải mất khoảng 4.000 năm của trái đất thiên thể này mới hoàn tất vòng quay quanh mặt trời.

“Ammonite được phát hiện ở vùng nằm xa sao Hải Vương, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi lực hấp dẫn của hành tinh này”, Forbes dẫn lời tiến sĩ Fumi Yoshida của Viện Công nghệ Chiba (Nhật Bản), người dẫn đầu dự án FOSSIL tìm ra Ammonite. Điều này cho thấy “đã xảy ra một sự kiện phi thường nào đó trong kỷ nguyên cổ đại, khi mà Ammonite hình thành”, theo vị tiến sĩ.

Bí ẩn được che giấu bên trong Ammonite

Ammonite lần đầu được phát hiện vào tháng 3.2023, nhờ vào kính viễn vọng Subaru của Nhật Bản được sử dụng trong dự án FOSSIL (viết tắt từ: Sự hình thành của vùng ngoài của hệ mặt trời: Di sản băng giá).

Theo sau một số quan sát khác của kính Subaru, đến tháng 7.2024 đội ngũ chuyên gia dùng đến kính thiên văn Canada-Pháp-Hawaii để đo quỹ đạo chính xác hơn của thiên thể.

Ammonite còn là “hóa thạch” của hệ mặt trời vào thuở sơ khai. Các phân tích giúp xác định thiên thể phải ít nhất 4,5 tỉ năm tuổi, gần như cùng tuổi với Thái Dương hệ.

Những mô phỏng số học sử dụng siêu máy tính của Đài Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) cho thấy quỹ đạo của Ammonite đã ổn định từ thời điểm hình thành. Các chuyên gia cũng tính toán được vào khoảng 4,2 tỉ năm trước, quỹ đạo của các sednoid đều rất tương đồng.

Ammonite là một phần của hồ sơ ghi chép về hóa thạch đến từ thời kỳ đầu của hệ mặt trời. Hồ sơ này cho phép giới thiên văn học có thể hình dung Thái Dương hệ trông như thế nào vào thời điểm hình thành.

Việc tìm ra Ammonite không những bổ sung thành viên mới cho hệ mặt trời, mà còn giúp tiết lộ từng xảy ra một sự kiện bí ẩn nào đó trong giai đoạn Thái Dương hệ hình thành, có thể là một ngôi sao bay ngang qua, hoặc sự xuất hiện của một hành tinh giấu mặt.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.