Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN đề xuất lộ trình 5 năm chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai đối với hộ kinh doanh. Đề xuất này gây nhiều ý kiến trái chiều.
Có thể triển khai nhiều nội dung song song
Cảnh báo có thể bị quá tải hệ thống, tăng chi phí tuân thủ cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi từ mô hình thuế khoán sang kê khai, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN trong góp ý cho Bộ Tài chính về dự án luật Quản lý thuế (thay thế) mới đây đã đề xuất thực hiện chuyển đổi theo lộ trình 3 giai đoạn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 (năm 1 – 2), trọng tâm là chuẩn bị nền tảng kỹ thuật và triển khai thí điểm. Nhà nước cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý, cung cấp phần mềm kế toán đơn giản và hóa đơn điện tử miễn phí, tập huấn kỹ năng ghi chép sổ sách và kê khai thuế cho hộ kinh doanh nhỏ. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ miễn phí phần mềm, chi phí thiết bị đầu vào (bao gồm máy tính bảng, internet) và trợ cấp chi phí đào tạo cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Theo chuyên gia, dữ liệu tự kê khai của hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ cần 3 thông số: doanh thu, lợi nhuận và thuế
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giai đoạn 2 (năm 2 – 4) sẽ mở rộng áp dụng thuế kê khai bắt buộc với các hộ có doanh thu ở mức nhất định, nhưng cần đi kèm các ưu đãi thuế tạm thời như giảm 20 – 30% thuế trong năm đầu, hỗ trợ chi phí thuê kế toán và tiếp cận tín dụng vi mô ưu đãi…
Giai đoạn 3 (năm 4 – 5) chuẩn hóa và kết thúc hoàn toàn chế độ thuế khoán trên toàn quốc. Trong giai đoạn này, hộ kinh doanh sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý thuế quốc gia như các doanh nghiệp nhỏ, cũng như được hỗ trợ công cụ kế toán điện tử tự động và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Như vậy, 3 giai đoạn mà Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN đề xuất có thể kéo dài đến 5 năm, sau đó việc chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai mới hoàn chỉnh và chạy tốt được. Phản hồi góp ý của Viện, Bộ Tài chính khẳng định theo Nghị quyết 198, từ ngày 1.1.2026, hình thức khoán thuế sẽ bị bỏ hoàn toàn, nên luật Quản lý thuế sẽ phải sửa đổi phù hợp…
Hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp khoán, trong đó đa số là hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, chưa có hệ thống kế toán, chưa quen với việc lập hóa đơn điện tử hay khai báo doanh thu bán hàng trên nền tảng số. Thế nên khi triển khai trong thực tế đã dẫn tới tình trạng né tránh, nhiều hộ kinh doanh từ chối nhận chuyển khoản… Vì vậy, đề xuất lộ trình như trên là có thể hiểu được.
Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cũng cho rằng đề xuất của Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN nhằm có thời gian cho cơ quan thuế lẫn các hộ kinh doanh thích nghi và tuân thủ khi chuyển đổi hình thức đóng thuế. Các đề xuất hỗ trợ như phần mềm kế toán, thiết bị, internet, hay miễn/giảm thuế trong giai đoạn đầu là phù hợp. Tuy nhiên, việc chia quá trình này thành 3 giai đoạn kéo dài đến 5 năm không thực sự cần thiết.
“Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai đồng thời nhiều nội dung song song chứ không cần cái này phải chờ cái kia và kéo dài đến 5 năm. Chẳng hạn, việc cấp thiết bị, đào tạo hộ kinh doanh hoàn toàn có thể diễn ra đồng thời với thí điểm áp dụng ưu đãi thuế hoặc triển khai phần mềm kế toán. Nói chung, 3 giai đoạn đề xuất hoàn toàn không bị lệ thuộc cứng vào nhau về mặt kỹ thuật hay pháp lý. Việc triển khai song song là khả thi và cần thiết để tận dụng đà chuyển đổi số, tránh bỏ lỡ cơ hội cải cách môi trường kinh doanh”, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Sổ sách chỉ cần 3 con số: doanh thu, lợi nhuận và thuế
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh – ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số, Chính phủ tổ chức cả hình thức “bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho người dân, nhất là người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, thì để mất 1 – 2 năm cho chuẩn bị hạ tầng và thí điểm, rồi cộng thêm các giai đoạn sau kéo dài đến 4 – 5 năm là quá lâu. Trong khi đó, chủ trương bỏ thuế khoán để có môi trường kinh doanh minh bạch rõ ràng là hợp lý, quản lý kinh doanh qua hóa đơn là rất cần thiết. Với các hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, có thể thời gian đầu cho tự kê khai với sự hỗ trợ của cán bộ thuế tại địa phương. Gọi là thí điểm nhưng thực tế là giai đoạn khuyến khích tự kê khai cho quen để 1 – 2 tháng sau là làm được, nhất là khi mỗi cá nhân đều có mã số thuế cá nhân, việc kê khai này dần dần sẽ đi vào nền nếp.
Dẫn câu chuyện hộ kinh doanh mua hàng nhỏ lẻ từ bà con nông dân, chuyên gia này nhận xét: “Giai đoạn đầu hộ kinh doanh tự kê khai, sau khi các nhà nông này được cấp mã số thuế cá nhân hết, việc kê khai đầu vào lúc đó sẽ rất rõ ràng, minh bạch và chuẩn mực hơn. Theo đó, từ năm sau, áp dụng bỏ dần thuế khoán vẫn được”.
Với một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế – ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng điều các hộ kinh doanh lo ngại nhất khi chuyển đổi là phát sinh chi phí tuân thủ và thủ tục rườm rà. Thế nên, để tạo tâm lý nhẹ nhàng thoải mái nhất có thể trong việc tuân thủ pháp luật, các quy định kế toán với hộ kinh doanh cũng phải “mềm dẻo” để tạo thuận lợi. Điều quan trọng nhất là tạo không khí, cách thức kê khai mà tại đó, các hộ kinh doanh vốn xưa giờ không quan tâm số hóa là gì, hóa đơn điện tử ra làm sao, sổ sách kế toán như thế nào… vẫn có thể thấy việc kê khai là rõ ràng đơn giản.
Ngoài ra, với hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm, có kết nối với hệ thống quản lý thuế của nhà nước đã được quy chuẩn thì theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, các hộ phải thực hiện nghiêm túc, trung thực, nếu không sẽ bị xử lý.
“Theo tôi, thời gian để việc kê khai thuế của hộ kinh doanh đạt sự chuẩn chỉnh nhất có thể chỉ mất khoảng 2 – 3 năm. Trong quãng thời gian đó, nhân viên ngành thuế đóng vai trò quan trọng để hướng dẫn, nhắc nhở hộ kinh doanh thực hiện thường xuyên. Nên nhớ là nhắc nhở, tư vấn và hướng dẫn tận tình chứ không nên áp dụng ngay hình phạt. Một chính sách hay, nhận được sự đồng thuận từ xã hội, cần những người thực thi nhân văn. Tôi dùng từ “mềm dẻo” như nói ở trên. Sau thời gian hướng dẫn, đã làm được rồi, hiểu rõ bản chất của vấn đề rồi, nhưng cố tình sai phạm, mới có biện pháp chế tài”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng lưu ý.
“Dữ liệu tự kê khai của hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ cần 3 thông số gồm doanh thu, lợi nhuận và thuế là đủ. Chủ yếu là mức lợi nhuận của họ bao nhiêu để nộp thuế, còn hộ kinh doanh có làm kế toán hay không là việc của họ. Tính thuế dựa trên lợi nhuận như doanh nghiệp, chứ theo doanh thu sẽ xuất hiện sự thiếu công bằng. Bởi trong thực tế, doanh thu có thể cao, nhưng lợi nhuận rất thấp”, TS Lạng nói thêm.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.