Nên giao quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ai?

Một trong những quy định đáng chú ý nhất của luật Nhà giáo mới được ban hành là giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Tuy nhiên để điều này được thực thi hiệu quả, ý kiến từ địa phương cho rằng cần những hướng dẫn rõ ràng hơn.

Ngày 17.7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo.

5 QUY ĐỊNH NÂNG VỊ THẾ NHÀ GIÁO

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý (Bộ GD-ĐT), nêu 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại luật Nhà giáo. Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo. Nhà giáo là những “viên chức đặc biệt” và “người lao động đặc biệt” được bảo đảm các quyền trong hoạt động nghề nghiệp tương xứng với vị thế của mình.

Thứ hai, luật Nhà giáo quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động…, góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Thứ ba, quy định một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo. Cụ thể, luật Nhà giáo quy định tất cả nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập được hưởng chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chế độ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; được bố trí nhà ở công vụ hoặc chỗ ở tập thể hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà khi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có trình độ cao, có tài năng, có năng khiếu đặc biệt, có kỹ năng nghề cao; đến làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn; nhà giáo trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu…

Nên giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ai trong ngành giáo dục hiện nay - Ảnh 1.

Cần hướng dẫn chi tiết rõ ràng hơn khi giao ngành giáo dục được quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, áp dụng thống nhất cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo được sử dụng trong tuyển dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo.

Theo ông Đức, quy định này để bảo đảm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, bảo đảm mặt bằng chung về chất lượng đội ngũ, tạo cơ hội như nhau cho sự thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của nhà giáo ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục.

Thứ năm là việc tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục ĐH công lập không phân biệt mức độ được giao quyền tự chủ, đều có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền điều động nhà giáo bảo đảm vai trò của ngành giáo dục trong việc chủ động điều tiết nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục.

NÊN GIAO ĐẦU MỐI TUYỂN DỤNG CHO SỞ GD-ĐT ?

Việc giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo được xem là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm tuyển dụng của sở GD-ĐT và UBND cấp xã vẫn chưa có sự đồng nhất. Cụ thể, theo Nghị định 142 ban hành ngày 12.6 quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, sở GD-ĐT được quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm đối với đội ngũ nhà giáo, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Còn theo luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành ngày 16.6, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý công chức, viên chức trên địa bàn.

Nên giao quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ai? - Ảnh 1.

Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

ảnh: Nhật Thịnh

Cho rằng chưa có sự đồng nhất trong trách nhiệm của sở GD-ĐT và UBND xã, ông Phong đề nghị cần rà soát và có hướng dẫn rõ ràng hơn khi thực hiện luật Nhà giáo. Nêu dẫn chứng, ông Phong thông tin khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, TP.HCM có 168 xã/phường. Theo thống kê, có nhiều xã/phường chỉ có duy nhất trường tiểu học, một trường THCS. Cụ thể có 4 xã/phường chỉ có một trường tiểu học, 19 xã/phường chỉ có một trường THCS.

“Nếu giao trách nhiệm luân chuyển cán bộ quản lý, điều động, bổ nhiệm cho UBND cấp xã, phường sẽ rất khó khăn, như TP.HCM có nhiều xã/phường chỉ có một trường, không có nơi để luân chuyển. Trong khi đó quy định luân chuyển cán bộ quản lý một nhiệm kỳ là 5 năm và không quá 2 nhiệm kỳ tại một đơn vị công tác”, ông Phong nói và cho biết những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều xã cho biết không có công chức của ngành giáo dục, do đó rất khó khăn nếu giao việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo cho cấp xã, phường.

Tương tự, ông Đinh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết khi chuyển sang chính quyền 2 cấp, tỉnh Quảng Ninh cũng gặp khó khăn trong việc điều động, luân chuyển giáo viên. Quảng Ninh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp có 54 đơn vị cấp xã mới, nhưng quá một nửa phòng văn hóa xã hội của các xã không có người thuộc lĩnh vực giáo dục để tham mưu ý kiến về giáo dục trên địa bàn.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Phong đề xuất: Trong công tác bổ nhiệm, đối với các trường trực thuộc UBND cấp xã khi bổ nhiệm phải có ý kiến của sở GD-ĐT để sở có thể tham gia điều động viên chức quản lý theo liên xã, liên phường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những xã ít đơn vị trường học. Thứ hai, nên giao ngành GD-ĐT chủ trì trong việc tuyển dụng vào ngành hoặc có trách nhiệm bàn giao, phê duyệt kế hoạch, giám sát thủ trưởng các đơn vị trường học có đủ điều kiện tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định của Chính phủ, do bộ máy của các xã không đủ nhân lực để thực hiện điều này.

Theo bà Trần Lưu Hoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc giao các sở GD-ĐT thực hiện tuyển dụng đội ngũ nhà giáo, khi ban hành các thông tư hướng dẫn, ban soạn thảo cần mô tả cụ thể về thực hành sư phạm cùng tiêu chí để các địa phương có thể áp dụng với điều kiện của từng địa phương.

3 nghị định, 12 thông tư để luật Nhà giáo thi hành từ 1.1.2026

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ GD-ĐT đã khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật Nhà giáo, gồm 3 nghị định và 12 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các bộ liên quan để kịp ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của luật Nhà giáo vào ngày 1.1.2026.

“Lương nhà giáo cao nhất” có giảm dạy thêm ?

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí khi luật Nhà giáo chính thức được ban hành: “Việc xếp lương nhà giáo ở mức cao nhất có giúp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm không?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc giáo viên có dạy thêm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mức lương. Có thầy cô rất tâm huyết, sẵn sàng dạy miễn phí, có người nhận phí mang tính tượng trưng để phụ huynh yên tâm hơn. Quan trọng là hoạt động dạy thêm phải được quản lý chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch và vì lợi ích học sinh.

“Chúng ta quy định như vậy để những giáo viên giỏi, có tâm, được phụ huynh tin tưởng có thể dạy thêm một cách chính đáng, không bị hiểu nhầm hay mang tiếng ép buộc học sinh. Vì thế, đồng lương chỉ là một trong những yếu tố thôi. Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo, đi đôi với trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này”, ông Thưởng nhấn mạnh.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.