Nằm trong hẻm nhỏ ở TP.HCM, ngôi nhà cổ khoảng 130 năm tuổi từng là nơi ở của quan tri huyện, vẫn giữ nguyên kiến trúc gỗ, mái ngói Nam bộ xưa.
Ngôi nhà cổ này hiện được gia đình ông Nguyễn Minh Thiên (66 tuổi), hậu duệ đời thứ 4 của gia đình họ Nguyễn sinh sống và gìn giữ đến tận hôm nay.
Ông cố là quan tri huyện, chủ nhân đời đầu của nhà cổ
Là thế hệ tiếp nối ở nhà cổ, ông Thiên không nhớ rõ những giai đoạn của từng thế hệ sinh sống trong nhà. Ông chỉ nhớ những gì mà ông nội và cha ông kể lúc sinh thời.
Ông Thiên thuật lại lời từ thế hệ trước, khi xưa, ông cố là Nguyễn Văn Thuyền, quan tri huyện của vùng này và ngôi nhà cổ này cũng được xây dựng từ đó. Là quan tri huyện, ông Nguyễn Văn Thuyền là người có uy tín ở vùng, đi đến đâu cũng được mọi người nể trọng.

Ngôi nhà cổ từng của quan tri huyện nằm tại phường Tân Đông Hiệp mới (TP.HCM)
Ảnh: Phạm Hữu
Quan huyện Thuyền thuộc dạng giàu có, đất đai bạt ngàn mà theo ông Thiên mô tả là hàng trăm hecta đất, trải dài từ nhà ở phường Tân Đông Hiệp đến tận ngã 3 Vũng Tàu ngày nay. Đất đai nhiều, nên các chi trong dòng họ đều được chia lại đất để sinh sống. Hiện nay, xung quanh nhà ông Thiện đều là nhà của bà con dòng họ.
Cuộc sống khá giả vẫn kéo dài đến tận đời ông nội và cha mẹ của ông Thiên. “Tôi còn nhớ lúc nhỏ, khi mẹ tôi theo bà nội đi thăm ruộng. Mỗi lần nghe tôi xuống là ai nấy đều đi ra, ẵm bồng tôi. Gọi tôi bằng chú và nói chú khỏi đi bộ cho mệt”, ông Thiên kể.
Điều đặc biệt, quan huyện Thuyền chỉ có con gái, không có con trai nối dõi. Các con gái của ông cũng không sinh con gái, trừ bà Nguyễn Thị Phắt (bà nội ông Thiên) sinh được 3 người con trai. Do đó, gia sản đất đai đều truyền lại cho những người con gái nắm giữ. Ông nội của ông Thiên là ông Nguyễn Văn Dần khi cưới bà Phắt phải ở rễ, về sống ở ngôi nhà này.

Gian chính của ngôi nhà cổ
Ảnh: Phạm Hữu

Nhà có những hàng cột gỗ tròn, mái ngói âm dương theo phong cách Nam bộ xưa
Ảnh: Phạm Hữu
Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, đất đai của quan tri huyện thu hẹp dần. Chính quyền thời đó thu hồi đất và đền bù tiền để giao đất cho người dân trồng lúa. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, bà nội ông Thiên tình nguyện hiến đất cho Nhà nước.
Nhà gỗ theo lối kiến trúc Nam bộ
Ông Thiên không sinh ra tại nhà này mà chỉ chuyển về đây sống từ khi còn nhỏ. Ông có 60 năm gắn bó với ngôi nhà cột gỗ mái ngói xưa cũ này. Ông Thiên vẫn không rõ nhà được năm xây dựng nhưng theo ước tính của ông thì ngôi nhà có tuổi đời gần 130 năm.
Theo ông Thiên, trước kia nhà được xây trên mảnh đất rộng lớn, xung quanh chỉ là rừng cây. Ban đầu là căn nhà gỗ. Mái ngói âm dương, các cột nhà cũng đều làm bằng gỗ, hình trụ tròn. Dàn kèo mái nhà theo lối “võ đậu đùi ếch”, đầu to đuôi nhỏ. Nhà theo lối 3 gian, 2 chái, dạng chữ Đinh, gồm nhà trên và nhà dưới, mang đặc trưng của quan lại, quý tộc thời xưa.
Nhà trên nằm ngang, dùng làm nơi tiếp khách, thờ phụng, nơi nghỉ ngơi của gia đình. Còn nhà dưới nằm dọc, kéo dài ra sau, dùng làm nơi nấu nướng. Ông Thiên còn nhớ, từ thời ông bà nội bên trái nhà dưới xây dài ra rất nhiều. Ngoài ra, còn có khu vực gọi là nhà lúa, cao khoảng 5 – 6 m. Đây là nơi chứa lúa do người dân mang đến nộp.

Hệ kèo nâng đỡ mái ngói của ngôi nhà
Ảnh: Phạm Hữu

Ngôi nhà cổ còn lưu giữ một số hiện vật trăm năm tuổi như tranh kiếng, bộ ván ngựa
Ảnh: Phạm Hữu

Ghế thờ khảm xà cừ có từ năm 1929, tuổi đời gần 100 năm
Ảnh: Phạm Hữu
Bên trong nhà xây dựng theo dạng nhà rọi, có 1 hàng cột nhất đâm thẳng lên nóc. Gian thờ có ba bàn thờ nằm phía sau hàng cột nhất. Ở giữa là bàn thờ ông bà phía trên là trang thờ Phật, Quan Thánh Đế Quân, Chúa Tiên Nương Nương và những vị gia thần bảo hộ cho gia chủ ngày xưa.
Ông Thiên cho biết, nhà có chiều ngang 16 m, dài 11 m. Diện tích đất xung quanh nhà hiện nay còn khoảng 5.000 m2. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật gắn với lịch sử ngôi nhà, từ những chiếc ghế thờ cẩn ốc đến các loại tranh kiếng và bộ ván ngựa. Khoảng năm 1990 khi nhà đã xuống cấp, gia đình cho xây lại tường gạch bê tông.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.