Các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài năm gần đây đang phô diễn sức mạnh hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua việc thay phiên điều động tàu sân bay, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh nâng cấp năng lực quân sự.

Tàu sân bay Anh HMS Prince of Wales đậu tại vịnh Marina ở Singapore hôm 24.6
ảnh: afp
Trả lời Tạp chí Newsweek, các chuyên gia nhận định việc các nước châu Âu, cụ thể là Anh, Pháp và Ý, triển khai tàu sân bay đến khu vực có thể hỗ trợ Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đồng thời duy trì sự hiện diện hải quân tại châu Âu, từ đó góp phần bảo đảm an ninh cho lục địa già.
Sáng kiến Hải quân châu Âu
Theo chuyên gia Krzysztof Sliwinski, giáo sư Đại học Baptist Hồng Kông, 9 nước châu Âu vào năm 2008 đã thiết lập Sáng kiến Tương tác Nhóm Tác chiến Tàu sân bay châu Âu, với mục tiêu duy trì sự hiện diện liên tục tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua việc tuần tự triển khai các tàu sân bay đến khu vực.
Sáng kiến được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để sở hữu hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu, với hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm. Hồi tháng 6, Trung Quốc lần đầu điều động cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.
Mỹ lại chậm giao tàu sân bay, Trung Quốc xúc tiến tàu thứ ba
Trong khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng hải quân ở Thái Bình Dương, Mỹ lại lâm vào tình trạng bị phân tán sức mạnh trên biển do ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Trung Đông. Từ đầu năm đến nay, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ là USS Carl Vinson và USS Nimitz đã rời khỏi Thái Bình Dương, tạo ra khoảng trống sức mạnh hải quân tại khu vực.
Trong khi Hải quân Mỹ hiện chỉ còn duy trì một nhóm tác chiến tàu sân bay ở Thái Bình Dương, tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho sứ mệnh kéo dài 8 tháng.
Trước tàu HMS Prince of Wales, Anh từng gửi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến khu vực trong sứ mệnh kéo dài 7 tháng hồi năm 2021.
Vào tháng 4, tàu sân bay Pháp FS Charles de Gaulle kết thúc sứ mệnh kéo dài 5 tháng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong quá trình này, hàng không mẫu hạm Pháp phối hợp diễn tập với các tàu cùng loại của Mỹ và Nhật Bản ở vùng Tây Thái Bình Dương phía đông Philippines.
Về phần mình, Hải quân Ý cũng điều tàu sân bay ITS Cavour hồi năm ngoái dẫn đầu một nhóm tác chiến trong chuyến triển khai kéo dài 5 tháng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vốn là khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động truyền thống của hải quân nước này.

Tàu sân bay Ý ITS Cavour tiếp liệu ở quân cảng Guam hôm 11.4.2024 trên đường tới Nhật Bản
ảnh: hải quân mỹ
Mục đích của các sứ mệnh từ châu Âu
Newsweek dẫn lời nhà nghiên cứu Sidharth Kaushal của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) phân tích rằng việc triển khai tàu sân bay của các nước châu Âu thiên về mục tiêu chiến lược và ngoại giao hơn là quân sự, nhằm phát đi tín hiệu khẳng định cam kết của các nước châu Âu trong việc hợp tác với các đối tác khu vực, cũng như bảo vệ các nguyên tắc như tự do hàng hải.
Còn bà Emma Salisbury, nhà nghiên cứu của Hội đồng Địa Chiến lược (Anh), cho hay các sứ mệnh trên xoáy vào sự hiện diện quân sự được thiết kế để định hình nhận thức và hành vi của các đối thủ tiềm tàng, thông qua động thái răn đe hành vi gây hấn và phản ánh sự kiên định mà không cần dẫn đến xung đột.
Sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ phản ánh hành động phô diễn sức mạnh quân sự và thể hiện sự vươn tầm hoạt động, mà còn là cam kết cho các đối tác quốc tế, phục vụ cho sự ổn định của khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, theo nhà nghiên cứu Salisbury.
Chuyên gia Sliwinski bổ sung thương mại là một yếu tố khác đằng sau các đợt điều động tàu sân bay của Anh và Ý.

Bộ ba tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson (gần màn hình nhất), JS Kaga (Nhật Bản) và tàu FS Charles de Gaulle ở biển Philippine hồi tháng 2
ảnh: lực lượng phòng vệ biển nhật bản
Một lưu lượng hàng hóa thương mại đáng kể của Anh với châu Á phụ thuộc vào các tuyến hàng hải đi qua các nút chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ý cũng hưởng lợi từ thương mại khu vực, trong bối cảnh nền kinh tế dựa vào xuất khẩu luôn ủng hộ một trật tự toàn cầu ổn định dựa trên tự do hàng hải.
Về phần Pháp, với các lãnh thổ ở Thái Bình Dương như New Caledonia và French Polynesia, Pháp tìm cách bảo vệ các lợi ích hàng hải và hạn chế cái gọi là “những ảnh hưởng tiêu cực” từ sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc.
Sau khi sứ mệnh của HMS Prince of Wales chấm dứt, vẫn chưa rõ hải quân châu Âu nào sẽ tiếp nhận nhiệm vụ đưa tàu sân bay đến khu vực.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.