Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh việc hoàn thành đúng tiến độ dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nhiệm vụ chính trị và danh dự của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Sáng nay (12.7), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM tại vị trí nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đây là hạng mục thuộc dự án thành phần 7, đoạn qua tỉnh Tây Ninh (Long An cũ).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) báo cáo Bộ trưởng Trần Hồng Minh tiến độ triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM
Báo cáo Bộ trưởng, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết: dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76 km, qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương (cũ) và Tây Ninh (Long An cũ).
Đến nay, tiến độ chung của 4 dự án thành phần đạt 46%. Trong đó, Tây Ninh (Long An cũ) có tiến độ tốt nhất, đạt khoảng 78%. TP.HCM đạt 46%, đang theo đúng tiến độ. Trong khi đó, Bình Dương (cũ) và Đồng Nai cùng đạt tiến độ 41%. So với kế hoạch, Đồng Nai và Bình Dương (cũ) đang chậm tiến độ khoảng 6% do một số khó khăn về vật liệu và thời tiết.
Mục tiêu chung của dự án là thông xe kỹ thuật toàn bộ dự án cuối năm 2025. Trong đó, chắc chắn khai thác được đoạn cầu cạn khoảng 15 km ở phía Đông TP.HCM và 6,8 km đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh. Riêng đoạn tuyến phía Tây và tỉnh Bình Dương (cũ) đang được xử lý nền đất yếu, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm, thông xe toàn tuyến vào khoảng tháng 4.2026.
Về khó khăn, vướng mắc trong nguồn vật liệu xây dựng, theo ông Lương Minh Phúc, hiện có 16 mỏ cát ở miền Tây được đưa vào khai thác, tổng sản lượng cung ứng đạt 4,2 triệu m³. Từ nay đến cuối năm, cần thêm khoảng 3 triệu m³ cát và với sản lượng dự kiến từ các mỏ, nhu cầu cơ bản được đảm bảo. Đối với vật liệu đá, tổng nhu cầu khoảng 4 triệu m³. Các địa phương Bình Dương (cũ) và Đồng Nai đã bố trí 7 mỏ đá phục vụ khai thác, sẵn sàng cho các tháng cao điểm thi công.
“Những vướng mắc đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các đoàn quan tâm, tháo gỡ cơ bản. Hiện nay, địa phương tăng tốc đưa vật liệu về, cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu thông xe dự án, góp phần vào mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc”, ông Lương Minh Phúc thông tin.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM tại vị trí nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành đang gấp rút thi công hoàn thành
ẢNH: MQ
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo: trong tổng thể dự án Vành đai 3, Bộ Xây dựng làm chủ quản đoạn từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến tỉnh lộ 25B thuộc Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với chiều dài 8,2 km. Ban QLDA Mỹ Thuận được giao thực hiện đoạn tuyến này. Đến nay, tiến độ dự án đạt hơn 98%, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 và thông xe, khánh thành vào 19.8. Sau khi khánh thành, người dân từ TP.HCM đi sân bay Long Thành (Đồng Nai) có thể rẽ phải, đi theo tỉnh lộ 25B, giảm áp lực cho cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang quá tải, chưa được mở rộng.
Sau khi nghe báo cáo từ những đơn vị liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dự án Vành đai 3 đối với liên kết vùng kinh tế trọng điểm. Dự án chủ yếu đi qua địa phận TP.HCM, do đó, việc hoàn thành đúng tiến độ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nhiệm vụ chính trị và danh dự của TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
“Trên cả nước, từ Cao Bằng đến Cà Mau, các dự án cao tốc gần như đã hoàn thành, đang phấn đấu thông xe. Do đó, TP.HCM và các địa phương phải tập trung nguồn lực, tăng ca tăng kíp thi công, khẩn trương hoàn thành dự án vào ngày 19.12 tới theo đúng tiến độ đã đề ra” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.