Năm học tiếp theo, học sinh sẽ không được sử dụng ở trường, kể cả trong giờ ra chơi. Dự kiến này được nhiều giáo viên bày tỏ sự hoan nghênh vì một môi trường học đường nghiêm túc, an toàn.
Theo Thanh Niên, ngày 9.7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu vừa yêu cầu Phòng Học sinh, sinh viên nghiên cứu phương án không cho học sinh sử dụng điện thoại, trừ một số trường hợp. Việc này dự kiến thực hiện trong năm học 2025 – 2026.

Năm học tiếp theo, học sinh sẽ không được sử dụng ở trường, kể cả trong giờ ra chơi
ẢNH MINH HỌA: AN VY
Nghe dự kiến này, nhiều giáo viên bày tỏ sự hoan nghênh. Ông Phạm Thư Tùng, đến từ Trường THPT Ten Lơ Man (TP.HCM), cho biết là giáo viên chủ nhiệm, ông cực kỳ ủng hộ đề xuất này.
“Theo tôi, nên cấm sử dụng điện thoại ngay từ bậc tiểu học để hình thành thói quen tốt khi các em trưởng thành. Thực tế, nhiều học sinh bị nghiện điện thoại vì phụ huynh có xu hướng đưa điện thoại cho con để đỡ phiền khi trẻ quấy rầy”, ông Tùng chia sẻ.
Theo quan sát của ông Tùng, học sinh nghiện điện thoại thường chỉ có thể tập trung tối đa 5 phút trong tiết học 45 phút. Sau đó, các em dễ mất kiên nhẫn, bứt rứt, nói chuyện riêng… “Giờ ra chơi, tôi đi ngang qua lớp nào cũng thấy học sinh cắm đầu chơi game trên điện thoại. Tôi cho rằng điều này khiến khả năng tương tác của các em với bạn bè giảm sút, thể chất suy nhược, xuất hiện các tư duy độc hại”, ông Tùng nói thêm.
Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập, việc sử dụng điện thoại trong trường học còn gây khó khăn trong quản lý lớp. “Ngày nào giáo viên cũng phải xử lý vi phạm liên quan đến điện thoại. Tịch thu xong thì học sinh năn nỉ, có khi phụ huynh không hiểu lại đến trường gây áp lực khiến chúng tôi rất khó xử”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho rằng việc cấm sử dụng điện thoại sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực. “Trước tiên là tăng khả năng tập trung. Tôi đọc nhiều nghiên cứu thấy rằng chỉ cần bị gián đoạn bởi 1 thông báo điện thoại, học sinh sẽ mất từ 15–20 phút để lấy lại sự chú ý. Khi không bị xao nhãng, hiệu quả học tập sẽ cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, khi không có thiết bị di động trong tay, học sinh sẽ chủ động tham gia các hoạt động thể chất, vui chơi và giao tiếp nhiều hơn. Tại một trường ở TP.HCM, một hiệu trưởng nói rằng sau khi nhà trường cấm dùng điện thoại trong giờ ra chơi, số lượng học sinh tham gia thể thao và sinh hoạt tập thể tăng đáng kể. Điều này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Đây là những năng lực cần thiết trong thế kỷ 21”, ông Tùng nói.
Ông Tùng đề xuất nhà trường có thể lấp đầy “khoảng trống” ấy bằng các hoạt động nghệ thuật, thể thao, dự án khoa học nhỏ, câu lạc bộ sở thích để học sinh có cơ hội tìm được niềm hứng khởi mới, khám phá được đam mê và xây dựng kỹ năng mềm, thay vì bị cuốn vào màn hình điện thoại. Đồng thời, có thể áp dụng mô hình “khung giờ công nghệ” (digital free hour hoặc mobile-friendly break) trong tuần. Đây là thời điểm để các em tự do cập nhật tin tức, học tập trực tuyến hoặc giải trí có kiểm soát. Qua đó, vừa giữ kỷ luật, vừa trân trọng không gian tự do cá nhân.
Chị Hoàng Khánh Linh, giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Linh Trung (TP.HCM), cũng đồng tình với đề xuất trên. “Theo tôi, học sinh phổ thông chưa đủ khả năng sàng lọc đúng sai khi tiếp cận lượng lớn thông tin trên mạng xã hội. Việc hạn chế dùng điện thoại sẽ giúp các em tránh bị chi phối, hình thành nhận thức sai lệch”, chị Linh nói.
Anh Ngô Văn Tín, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trung An (TP.HCM), chia sẻ thêm: “Nhiều học sinh lén sử dụng điện thoại trong giờ học, khi bị phát hiện thì chối hoặc không hợp tác. Có trường hợp phụ huynh chưa nắm rõ tình hình đã trách móc giáo viên”. Do đó, anh Tín cho rằng dự kiến cấm học sinh dùng điện thoại ở trường là rất hợp lý vì các em sẽ tập trung vào việc giao tiếp và học tập nhiều hơn.
Với vai trò vừa làm công tác Đội, vừa trực tiếp công tác giám thị, anh Phạm Hữu Phúc, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Quý Tây (TP.HCM), cho biết anh hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm điện thoại trong trường học.
Tuy nhiên, anh Phúc cho rằng điều quan trọng là phải triển khai sao cho học sinh không cảm thấy bị ép buộc, mà vẫn thấy hứng thú và chủ động tuân thủ. Thay vì áp dụng cứng nhắc, anh Phúc đề xuất nhà trường nên quy định rõ ràng khu vực và thời điểm sử dụng điện thoại, chẳng hạn như trong các tiết tin học hay giáo dục địa phương. Đồng thời, nhà trường có thể xây dựng các phong trào thi đua giữa các lớp về việc chấp hành nội quy, để từ đó học sinh tự giác và tích cực hơn.
“Chúng ta đang hướng tới đào tạo công dân số toàn cầu, nên không thể cấm tuyệt đối hay áp đặt một chiều. Quan trọng là tạo môi trường để học sinh được trải nghiệm công nghệ đúng cách, đúng thời điểm, đồng thời rèn luyện ý thức kỷ luật và tinh thần tự giác của các em”, anh Phúc chia sẻ.
Tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên Q.12 (TP.HCM), việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường đã được áp dụng từ năm trước. Phó giám đốc Trần Thiện Hùng cho biết: “Quy định này được phụ huynh đồng tình 100%. Nếu phát hiện học sinh mang theo điện thoại, thầy cô sẽ tịch thu và mời phụ huynh lên trao đổi”.
Theo ông Hùng, với một số học sinh có vấn đề tâm lý hoặc lý do đặc biệt, phụ huynh có thể đề xuất để con em mang điện thoại theo, nhưng chỉ được sử dụng khi ra về. “Trước đây, các em thường vừa học vừa nhắn tin, chơi game khiến giáo viên rất khó giảng dạy. Từ khi có quy định mới, học sinh đã tập trung và tiến bộ rõ rệt”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết nhà trường cũng bố trí điện thoại bàn tại phòng giám thị và phòng y tế để học sinh có thể gọi về nhà khi cần. Với những em cần đặt xe công nghệ, giáo viên chủ nhiệm sẽ hỗ trợ để không em nào gặp khó khăn khi thiếu điện thoại
ẢNH: AN VY
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.