Động lực học tiếng Nhật của sinh viên tại Việt Nam bị giảm ít nhiều trong quá trình học tiếng Nhật, đặc biệt là khi học lên cấp độ cao, theo JICA.
Các tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có buổi họp, chia sẻ định kỳ hàng năm nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam. Chương trình diễn ra trong 2 ngày (10.7 và 11.7) tại Trường ĐH Đà Lạt, phường Lâm Viên – Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tâm lý ngại nói chuyện với người nước ngoài
Tại đây, 8 tình nguyện viên JICA liên quan đến hoạt động giảng dạy tiếng Nhật cùng với 12 giảng viên tiếng Nhật người Việt Nam đang công tác tại các trường đại học tại Việt Nam – cũng là những đồng nghiệp hàng ngày cùng phối hợp với các tình nguyện JICA trong các giờ dạy tiếng Nhật, đã phân tích những khó khăn thường gặp của sinh viên Việt Nam khi học tiếng Nhật.

Tình nguyện viên JICA báo cáo về hoạt động và chia sẻ những khó khăn thường gặp của sinh viên tại Việt Nam khi học tiếng Nhật
ẢNH: JICA
12 giảng viên tiếng Nhật người Việt Nam hiện đang giảng dạy tại các trường: Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Hải Phòng, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Đà Lạt.
Các tình nguyện viên JICA cho biết tại mỗi trường đại học, nơi mà họ đang công tác, đều có tài liệu giảng dạy, chương trình giảng dạy, giáo trình tiếng Nhật hay mục tiêu đào tạo khác nhau. Song, các vấn đề chung là sinh viên cùng gặp một vài khó khăn trong các tiết học hội thoại tiếng Nhật. Phổ biến như sinh viên rụt rè trong giao tiếp, phát âm chưa chuẩn hay tâm lý ngại nói chuyện với người nước ngoài. Các tình nguyện viên người Nhật Bản cũng nhận thấy động lực học tiếng Nhật của sinh viên tại Việt Nam bị giảm ít nhiều trong quá trình học tiếng Nhật, đặc biệt là khi học lên cấp độ cao.
Để lớp học tiếng Nhật hấp dẫn hơn
Đâu là giải pháp cho các vấn đề trên? Các tình nguyện viên JICA cùng giảng viên tiếng Nhật là người Việt Nam đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để nâng cao chất lượng các giờ học hội thoại. Đồng thời, họ tìm ra giải pháp giúp tăng sự hấp dẫn của lớp học, cách đánh giá, ra bài thi hội thoại và cách thức nâng cao động lực học tập tiếng Nhật cho các sinh viên. Các trường hợp điển hình cũng được mang ra nghiên cứu để rút ra bài học.
Giáo dục tiếng Nhật là một trong những lĩnh vực mà Chương trình phái cử tình nguyện viên của JICA đặt trọng tâm hỗ trợ. Hiện tại, JICA đang phái cử 10 tình nguyện viên chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật đến công tác tại Việt Nam.

Các tình nguyện viên người Nhật và các giảng viên tiếng Nhật là người Việt thảo luận nhóm, tìm cách nâng cao chất lượng giờ học hội thoại
ẢNH: JICA
Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, nhấn mạnh cam kết của JICA trong việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển giáo dục tiếng Nhật và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thông qua các hoạt động cấp cơ sở tại địa phương của các tình nguyện viên.
Chương trình phái cử tình nguyện viên JICA tại Việt Nam được bắt đầu vào năm 1995 và năm 2025 này đánh dấu kỷ niệm tròn 30 năm.
3 tình nguyện viên người Nhật đầu tiên được phái cử (năm 1995) là các tình nguyện viên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Nhật, họ được phân công tới ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.