Mẹ hiến da ghép cứu con 2 tuổi bị bỏng nặng do nước sôi

Bé gái 2 tuổi bị bỏng 60% do nước sôi, được mẹ hiến da ghép cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ca ghép sớm nhất, mở ra hy vọng cho trẻ bỏng nặng.

Ngày 11,7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thông tin về trường hợp bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng nặng đến 60% cơ thể do nước sôi. Điều đặc biệt, chính mẹ ruột của bé đã hiến da để ghép, giúp con vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Trước đó, bệnh nhi B.P.T (2 tuổi, tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bỏng nước sôi diện rộng lên đến 60% cơ thể, bao gồm vùng cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi. Các bác sĩ đánh giá đây là mức độ bỏng cực kỳ nghiêm trọng, với nguy cơ tử vong rất cao do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Bé được cấp cứu tại bệnh viện địa phương và sau một ngày đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bé được điều trị tích cực tại Khoa Bỏng – Chỉnh trực, với chế độ hồi sức liên tục và chuyên sâu. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài, diễn tiến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Mẹ hiến da cứu con gái 2 tuổi bị bỏng nặng do nước sôi - Ảnh 1.

Người mẹ hiến da để ghép cứu con

ẢNH: BV

Trước tình thế nguy cấp, các bác sĩ quyết định thực hiện ghép da đồng loại sớm – một kỹ thuật can thiệp đặc biệt trong điều trị bỏng nặng, nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng. Người hiến da không ai khác chính là mẹ ruột của bé.

Chỉ 5 ngày sau khi nhập viện, ca ghép da được thực hiện thành công, giúp bé vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng bệnh nhi cải thiện rõ rệt, các vùng da ghép bắt đầu lành đáy và phục hồi tốt. Đây là trường hợp ghép da đồng loại sớm nhất kể từ khi nhập viện từng được thực hiện tại Khoa Bỏng – Chỉnh trực, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong điều trị bỏng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời mang lại hy vọng sống cho nhiều trẻ em bị bỏng diện rộng.

Ghép da đồng loại (allograft) là kỹ thuật lựa chọn quan trọng khi vùng da lành của bệnh nhân quá ít, không đủ để ghép tự thân. Việc ghép sớm có thể rút ngắn thời gian điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết – biến chứng nghiêm trọng hàng đầu của bỏng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực, cho biết: Bỏng nước sôi là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng nặng ở trẻ em, thường xảy ra khi người lớn đang nấu ăn, pha nước nóng, hoặc đặt vật dụng chứa chất lỏng nóng trong tầm tay trẻ.

Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 10 ca ghép da đồng loại để cứu sống những bệnh nhi bị bỏng diện rộng.

Bác sĩ Ngọc Ngà khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không để trẻ lại gần khu vực đang nấu nướng, có nước sôi hoặc vật dụng chứa chất lỏng nóng. Luôn để trẻ trong tầm mắt khi chăm sóc. Trang bị kiến thức sơ cứu bỏng đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu tổn thương nặng.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.