Không để bệnh nhân TP.HCM mất 5 giờ kẹt xe đến trung tâm chữa bệnh

Lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu mở cơ sở 2 tại các vùng địa bàn mới, không thể để người dân TP.HCM mất 5 giờ kẹt xe lên trung tâm khám chữa bệnh.

Ngày 11,7, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1975 – 2025), 35 năm thành lập khối khám chữa bệnh và đặc biệt là 30 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM ghi dấu ấn trong điều trị các bệnh lý máu ác tính và ghép tế bào gốc. Bệnh viện đã khẳng định vị thế là trung tâm y học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực huyết học.

Từ cơ sở cấp máu ban đầu đến trung tâm huyết học chuẩn quốc tế

Tiến sĩ – bác sĩ Phú Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, chia sẻ trong những ngày đầu, bệnh viện chỉ đảm nhiệm vai trò tiếp nhận máu toàn phần, điều chế các chế phẩm máu và hỗ trợ điều trị bệnh lý về máu cùng các bệnh viện khác. Mỗi ngày chỉ vài chục đơn vị máu được tiếp nhận và cấp phát.

Tuy nhiên, đến nay, ngân hàng máu của bệnh viện đã đạt chuẩn quốc tế. Riêng năm 2024, bệnh viện đã sản xuất đến 650.000 đơn vị chế phẩm máu các loại, cung cấp cho TP.HCM và một số tỉnh lân cận.

Là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía nam về truyền máu và huyết học, nơi đây điều trị toàn diện tất cả các bệnh lý huyết học từ lành tính, ác tính cho đến các bệnh lý di truyền ở cả trẻ em và người lớn. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận gần 10.000 ca nội trú và 140.000 lượt khám ngoại trú.

Không để bệnh nhân TP.HCM mất 5 giờ kẹt xe đến trung tâm chữa bệnh - Ảnh 2.

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

ẢNH: DUY TÍNH

Bệnh viện ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 15.7.1995, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đánh dấu bước ngoặt lớn với ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên được thực hiện thành công. Từ đó đến nay, bệnh viện đã ghép hơn 700 ca, trở thành đơn vị có số ca ghép nhiều nhất cả nước.

Các kỹ thuật ghép hiện nay gồm: ghép tự thân (tự ghép), ghép đồng loại (dị ghép), ghép nửa thuận hợp HLA. Có tới 20 mặt bệnh được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu, như: bệnh đa u tủy xương, ung thư, suy tủy xương, thalassemia, bạch cầu cấp và mạn, hội chứng tủy tăng sinh nguy cơ cao… Ngoài ra, bệnh viện còn hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật ghép tế bào gốc cho các cơ sở y tế khác.

Từ năm 2001, bệnh viện đã thành lập Ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên tại Việt Nam, lưu trữ tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh lý máu ác tính và di truyền. Đến năm 2012, ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng tế bào gốc, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM là bệnh viện công lập đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận JCI (Joint Commission International – Mỹ) về chất lượng khám chữa bệnh.

Về kế hoạch sắp tới, bác sĩ Phù Chính Dũng thông tin thêm, sắp tới, bệnh viện sẽ khởi công xây dựng ngân hàng máu mới với công suất lớn, hiện đại bậc nhất khu vực, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ và cung cấp máu cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đồng thời, bệnh viện cũng đẩy mạnh việc mua sắm sớm các loại thuốc mới, thuốc hiếm, giúp người bệnh được tiếp cận thuốc điều trị tiên tiến mà không cần ra nước ngoài. Thực tế, hiện đã có nhiều bệnh nhân từng điều trị ở nước ngoài nay quay trở về điều trị tại đây.

Mở rộng vùng phục vụ ngoài trung tâm TP.HCM

Tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Diệu Thúy ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nổi bật của bệnh viện, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu bệnh viện duy trì chất lượng chuẩn quốc tế JCI. Mở rộng các trung tâm chuyên sâu ra vùng xa trung tâm TP.HCM. Sớm triển khai cơ sở 2 tại Bình Dương hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu cũ.

“Chúng ta được đầu tư lớn như thế này thì phải nghĩ đến những vùng xa hơn trung tâm TP.HCM. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nghiên cứu, phát triển thêm trung tâm, đơn vị điều trị số 2 ở các vùng mới. Không thể để bệnh nhân là người TP.HCM vùng 72 (Bà Rịa – Vũng Tàu cũ) mỗi ngày đi 5 tiếng đồng hồ, kể cả thời gian kẹt xe để đến đây điều trị. Phải tính 5 – 7 năm nữa phải làm như thế nào?”.

Không để bệnh nhân TP.HCM mất 5 giờ kẹt xe đến trung tâm chữa bệnh - Ảnh 3.

Nhiều bệnh nhân ở xa đến TP.HCM khám bệnh luôn sẵn tư trang để ở lại vài ngày

ẢNH: DUY TÍNH

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định, TP.HCM bước vào giai đoạn phát triển mới. Các chỉ số về y tế giờ đây cần đầu tư, xây dựng và lan tỏa các giá trị đang có nhiều hơn ở các vùng chưa đạt được. TP.HCM chuẩn bị xây dựng hệ thống bệnh viện chuyên khoa sâu, đặc biệt để phục vụ rộng khắp và lâu dài cho người dân thành phố và khu vực.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế TP.HCM cần đẩy mạnh 4 mục tiêu chiến lược: xây dựng TP.HCM thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực; phát triển bệnh viện thông minh; thúc đẩy y học chính xác, y tế số và y tế cá thể hóa; nâng cao năng lực y tế dự phòng và điều trị chuyên sâu

Kỳ vọng Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM sẽ là một trong những đơn vị chủ lực trong chiến lược phát triển này, không chỉ đi đầu trong chẩn đoán, điều trị, mà còn chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Cuối cùng, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh ngành y tế cần tiếp tục đổi mới mô hình quản trị bệnh viện hiện đại, minh bạch. Lấy người bệnh làm trung tâm. Chủ động quy hoạch và phát triển đội ngũ chuyên gia hàng đầu


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.