Hội đồng xét xử đánh giá vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Tuyên án vụ Tập đoàn Phúc Sơn vào sáng nay 11.7, hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch tập đoàn này, mức án tổng hợp 30 năm tù về 3 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về kế toán và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Văn Hậu bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm về đấu thầu và kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.168 tỉ đồng. Bị cáo còn dùng 72,5 tỉ đồng và 2,62 triệu USD để hối lộ nhiều quan chức địa phương, qua đó thâu tóm hàng loạt gói thầu xây dựng.
Vì thế, cùng với Nguyễn Văn Hậu, nhiều cựu quan chức lãnh án về tội nhận hối lộ. Điển hình như Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) 14 năm tù; Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) 12 năm tù; Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) cùng mức án 7 năm tù, Đặng Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) 8 năm tù…

Các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
ẢNH: PHÚC BÌNH
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Hành vi của các bị cáo xâm phạm các quy định về thuế, đấu thầu, kế toán…, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh; gây bất bình, bức xúc trong dư luận.
Việc bị cáo Hậu đưa hối lộ cho các cựu quan chức đã làm băng hoại các giá trị đạo đức, ảnh hưởng xấu tới cách hành xử của các lãnh đạo, cán bộ các địa phương. Hành vi của các bị cáo còn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Vẫn theo hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo trong vụ án tuy khác nhau, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng sai phạm của bị cáo này là tiền đề cho bị cáo khác sai phạm; mỗi người là một mắt xích. Hội đồng xét xử cho rằng cần xử lý nghiêm các bị cáo, những người đã đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân.
Về các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử “đánh giá cao” các bị cáo có nhận thức tích cực, đặc biệt là Nguyễn Văn Hậu và một số bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn.
Trong vụ án, ngoài nhóm có vai trò chính, tòa ghi nhận một số bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, phục tùng, phạm tội với vai trò thứ yếu, không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít.
Các trường hợp này được xem xét tình tiết giảm nhẹ, cân nhắc giữa công và tội để đưa ra mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và khung hình phạt liền kề.

Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước
ẢNH: PHÚC BÌNH
Nhiều lãnh đạo địa phương bị tha hóa
Riêng với Nguyễn Văn Hậu, hội đồng xét xử nhận định, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong các hành vi phạm tội. Mặc dù bị cáo đã thành khẩn, rất tích cực khắc phục hậu quả nhưng sai phạm đã “thao túng, làm tha hóa, biến chất, sa ngã” nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của nhiều địa phương. Vì thế, cần phải nghiêm trị.
Về các khoản tiền nhận hối lộ hoặc hưởng lợi trái phép, hội đồng xét xử buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ để sung công quỹ. Đến nay, các bị cáo đã nộp lại đủ 132 tỉ đồng.
Với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng được xác định là thiệt hại từ hành vi sai phạm về đấu thầu và kế toán, hội đồng xét xử xét thấy Nguyễn Văn Hậu là người trực tiếp hưởng lợi và sử dụng toàn bộ tiền này, do đó buộc bị cáo phải nộp lại.
Đến nay, chưa tính 500 cây vàng bị thu giữ, tòa tính toán Hậu đã khắc phục toàn bộ hơn 1.100 tỉ đồng nêu trên, thậm chí còn thừa. Các bị cáo khác không cần thực hiện nghĩa vụ dân sự nữa.
Với các tài sản gồm vàng, bất động sản, giấy tờ bất động sản, giấy tờ có giá và các tài sản khác đã bị thu giữ, kê biên, phong tỏa, cấm giao dịch chuyển nhượng trong quá trình điều tra, hội đồng xét xử tuyên gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.