Viện KSND Q.1 cũ (nay là khu vực 1) truy tố các bị cáo tội ‘cưỡng đoạt tài sản’, ‘làm nhục người khác’. TAND khu vực 1 cho rằng các bị cáo phạm tội ‘cướp tài sản’.
Ngày 3.7 vừa qua, TAND khu vực 1 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, trả hồ sơ vụ chủ và nhân viên hành hung, lột đồ bắt khách trả 9,5 triệu đồng, xảy ra tại nhà hàng Nari Bar (Q.1 cũ). Viện kiểm sát truy tố các bị cáo tội “cưỡng đoạt tài sản”, “làm nhục người khác”; tòa đưa các bị cáo ra xét xử về tội “cướp tài sản”.

Các bị can trong vụ hành hung, lột đồ khách để đòi 9,5 triệu đồng
ẢNH CÔNG AN CUNG CẤP
Tòa trả hồ sơ vì cho rằng các bị cáo phạm tội cướp tài sản
Theo hồ sơ, khoảng 1 giờ 30 sáng 17.4.2024, ông Đ.P.D (54 tuổi, ở Q.Bình Thạnh cũ, TP.HCM) đi một mình đến nhà hàng Nari Bar trên đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé cũ uống bia. Tại đây, ông D. được Lê Thị Huệ tư vấn gói dịch vụ uống bia, karaoke với giá 40 USD/giờ bao gồm các dịch vụ: được tặng 2 lon bia Heineken, ngồi nói chuyện và hát karaoke với một nhân viên nữ và ông đồng ý.
Đến khoảng 4 giờ cùng ngày, ông D. đề nghị tính tiền. Lê Thị Phương Trâm nói Nguyễn Tiền Luân làm hóa đơn. Luân ghi trên hóa đơn là 10,1 triệu đồng, nhưng ông D. không đồng ý thanh toán do giá khác với gói dịch vụ đã được tư vấn. Trâm đề nghị giảm còn 9,5 triệu đồng nhưng ông D. vẫn không đồng ý.
Lúc này, Huệ gọi điện thoại cho bảo vệ dân phố phường Bến Nghé cũ đến nhà hàng giải quyết sự việc thì bảo vệ dân phố đề nghị tất cả lên Công an phường Bến Nghé cũ giải quyết. Khi Huệ, Luân đi cùng ông D. lên công an phường thì Huệ thấy ông D. bỏ đi nên chạy theo kéo quay vào nhà hàng, tiếp tục yêu cầu trả tiền. Cùng lúc, Trâm gọi cho Nguyễn Quang Lợi (là nhân viên cũ của nhà hàng), nhờ Lợi và Lê Duy (là nhân viên nhà hàng M. bên cạnh) đến hỗ trợ.
Khi kéo ông D. vào lại nhà hàng, Huệ cầm táp tính tiền bằng da đánh 2 cái vào đầu và dùng chân trái đá vào bộ phận sinh dục của ông D. thì được những người khác can ngăn. Trong khi đó, Luân đè ông D. vào tường rồi dùng tay, chân đấm, đá vào người ông này. Thấy ông D. không có ý định trả tiền nên Trâm nói “lột đồ nó đi”.
Trâm vừa dứt lời, Lợi, Duy liền lao đến khống chế, cởi áo ông D. Sau đó, Xuyến tiếp tục yêu cầu ông D. trả tiền không được nên ra lệnh “lột quần nó luôn đi”. Duy, Luân khống chế, cởi quần ông D. Khi ông D. “không mảnh vải che thân”, Lợi mở cửa nhà hàng, còn Duy kéo ông D. ra bên ngoài nhà hàng rồi kéo cửa nhà hàng đóng lại. Khoảng 10 giây sau, Lợi mở cửa để ông D. đi vào… Cuối cùng, Trâm lấy thẻ ngân hàng của ông D. đưa cho Luân quét vào máy POS của nhà hàng thì thanh toán được 9,5 triệu đồng.
Cáo trạng của Viện KSND Q.1 cũ truy tố bị cáo Lê Thị Phương Trâm, Phan Thị Kim Xuyến (cùng góp vốn lập nhà hàng Nari Bar) tội “cưỡng đoạt tài sản”; Nguyễn Tiền Luân, Nguyễn Quang Lợi, Lê Thị Huệ (cùng là nhân viên nhà hàng Nari Bar), Lê Duy tội “cưỡng đoạt tài sản” và “làm nhục người khác”.
Dùng vũ lực tấn công: cướp tài sản?
Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự, TAT Law Firm) khẳng định: “Bản chất vụ việc là dùng vũ lực và thủ đoạn làm nhục để chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.
Theo luật sư Cường, điểm khác biệt giữa cưỡng đoạt và cướp nằm ở sự tước đoạt ý chí của nạn nhân. Trong cưỡng đoạt, hành vi chỉ dừng lại ở uy hiếp, và người bị hại vẫn còn khả năng lựa chọn. Nhưng ở đây, sự việc không dừng ở uy hiếp. Các bị cáo đã dùng vũ lực (đấm, đá), giữ nạn nhân tại chỗ, lột quần áo giữa nơi công cộng, rồi ép buộc sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán. Hành vi quẹt thẻ là kết quả của một chuỗi khống chế cả thể chất lẫn tinh thần. Đây là biểu hiện điển hình của tội cướp tài sản theo điều 168 bộ luật Hình sự.
Về tội danh làm nhục người khác trong vụ án, luật sư Cường cho rằng, đây không phải là một mục đích phạm tội độc lập, mà là một thủ đoạn tinh thần cực đoan, nhằm hỗ trợ cho việc chiếm đoạt. Việc lột quần áo nạn nhân giữa chốn đông người, tạo áp lực tâm lý tột độ để họ khuất phục và để yên cho hành vi chiếm đoạt, là minh chứng cho một thủ đoạn cấu thành tội cướp.
“Việc khởi tố riêng tội làm nhục người khác trong trường hợp này vừa thiếu cần thiết, vừa dễ gây sai lệch bản chất vụ án. Trong nguyên tắc xử lý các hành vi liên kết trong tội phạm có tổ chức, khi nhiều hành vi hướng đến một mục đích phạm tội chính, thì phải “hút vào cấu thành” của tội danh chính – thay vì tách thành nhiều tội danh rời rạc”, luật sư Cường chia sẻ.
Chỉ dừng lại ở đe dọa, uy hiếp: tội cưỡng đoạt tài sản!
Tương tự, một kiểm sát viên cao cấp Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM (Viện KSND tối cao) cũng đánh giá hành vi dùng vũ lực tấn công, và nhiều người lột đồ (thủ đoạn khác) khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.
“Khi nào hành vi chỉ dừng lại ở đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì mới là cưỡng đoạt tài sản”, vị kiểm sát viên này phân tích.
Lấy ví dụ về một vụ án “cưỡng đoạt đoạt tài sản”, kiểm sát viên này cho biết, tháng 11.2024, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Thông 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo bản án, tháng 7.2022, ông P.V.C giới thiệu ông N.T.T vay 5,5 tỉ đồng của cháu ruột là bị cáo Thông. Sau đó, Thông liên tục đòi nợ nhưng ông T. trả không đủ nên Thông chuyển sang đòi nợ ông C.
Thông nhiều lần đăng bài trên mạng xã hội la chửi, xúc phạm ông C., mục đích buộc ông C. phải trả 2 tỉ đồng mà ông T. còn thiếu. Sau đó, Thông tiếp tục photo nhiều tờ giấy A4 có nội dung tin nhắn giữa Thông và vợ chồng ông C., phát tờ rơi để buộc ông C. trả tiền… Bên cạnh đó, Thông cũng nhiều lần đến cơ quan, nhà ông C. livestream trên mạng xã hội chửi bới, xúc phạm làm ông C. và gia đình bị suy sụp tinh thần, ảnh hưởng uy tín, danh dự, nhân phẩm, nên ông C. làm đơn tố cáo Thông ra Công an thị xã Trảng Bàng (cũ), tỉnh Tây Ninh.
Theo tòa, vì muốn lấy lại được số tiền còn nợ nên Thông đã thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần đối với ông C., mục đích chiếm đoạt 2 tỉ đồng. Vì vậy, hành vi của Thông đủ yếu tố cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”… (còn tiếp)
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.