Cần giúp học sinh bớt phụ thuộc vào AI

Việc ngăn chặn, phòng ngừa gian lận bằng AI không chỉ bắt đầu từ trước kỳ thi mà phải từ lúc học sinh (HS) bắt đầu tiếp cận với AI.

Theo thạc sĩ Nguyễn Gia Hy (ĐH Swinburne, Úc), HS hiện nay có xu hướng dựa dẫm, tin tưởng tuyệt đối AI, một phần vì chưa đủ kiến thức để xác minh tính chính xác của câu trả lời do AI đưa ra, phần còn lại vì lười nên không có nhu cầu phản biện. Bởi vậy, giáo viên (GV) nên giúp HS giảm bớt phụ thuộc vào AI để các em tăng khả năng phân tích, tự học, từ đó giảm tỷ lệ lạm dụng AI để gian lận. “Ngoài ra, cũng cần lồng ghép vào từng bài học vấn đề về đạo đức khi dùng AI”, thạc sĩ Hy nói thêm.

Cần giúp học sinh giảm gian lận trong học tập nhờ vào AI hiệu quả - Ảnh 1.

Ngày nay hầu hết sinh viên, học sinh đều sử dụng AI phục vụ học tập, nghiên cứu. Theo các chuyên gia,việc ngăn chặn, phòng ngừa gian lận bằng AI phải từ lúc học sinh bắt đầu tiếp cận với AI

ẢNH: NGỌC LONG

“Ở cấp độ trường học, nhà trường cần phối hợp tổ chức những buổi tuyên truyền về vấn đề đạo đức AI. Ngoài ra, cũng cần xây dựng bộ quy tắc dùng AI cho HS, nêu rõ những gì được phép sử dụng AI và những gì không được phép. Đây là điều nhiều trường học ở nước ngoài đang làm rất tốt”, thầy Hy khuyến nghị.

Còn ở cấp độ cao nhất là ngành giáo dục, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại hình thức ra đề và đánh giá bài làm của HS. “Ta có thể không quá chú tâm vào đáp án đúng nữa, bởi vì AI có thể đưa ra kết quả chính xác chỉ trong vài giây. Thay vào đó, nên đánh giá tư duy và cách trình bày, lập luận, phân tích của HS trong quá trình giải bài hơn là đáp số cuối”, thạc sĩ Hy bình luận.

Trong khi đó, PGS-TS William D. Magday Jr., Hiệu trưởng Trường Sư phạm tại ĐH Nueva Vizcaya State (Philippines), nhấn mạnh rằng HS có thể dùng AI trong các tiết thảo luận về bài học, song tuyệt đối không được đụng đến công cụ này trong giờ kiểm tra hoặc khi làm những bài tập ngắn. “Phải chắc chắn câu trả lời của HS do chính các em thực hiện, và tốt nhất là nên yêu cầu các em viết tay bài làm thay vì dùng laptop”, PGS-TS Magday nói với PV Thanh Niên.

“AI là một phần không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể thay đổi điều đó nên tốt nhất là đón nhận nó, đồng thời học cách dùng AI đúng cách để đảm bảo nó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích”, ông Magday chia sẻ.

Không chỉ dừng ở câu chuyện gian lận, AI còn là “con dao hai lưỡi” khi vừa mang lại nhiều tiện ích, vừa gây ra không ít vấn đề mới cho GV, HS, theo GS-TS Cao Xiuling, Viện trưởng Viện Hán ngữ quốc tế tại ĐH Sư phạm Thượng Hải (Trung Quốc). Trong đó, nổi bật là câu chuyện đạo đức AI như bảo mật dữ liệu người dùng ra sao, các thách thức để đảm bảo công bằng trong giáo dục, hay làm sao để giúp HS giữ tư duy sáng tạo trong thời đại AI.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.