Đề xuất xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tỉ USD tại TP.HCM

UBND TP.HCM nhận được đề xuất đầu tư dự án siêu trung tâm dữ liệu dành riêng cho phát triển trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 2 tỉ USD từ nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nền tảng cho một thành phố đổi mới công nghệ hàng đầu châu Á

Trong báo cáo mới trình Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết địa phương đã được nhóm các nhà đầu tư lớn gồm Công ty CP công nghệ G42 (cổ đông chính là Quỹ đầu tư nhà nước Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE), Tập đoàn FPT, Quỹ đầu tư VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Việt Thái đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án siêu trung tâm dữ liệu (TTDL, data center) khoảng 2 tỉ USD. Dự án này dự kiến cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện, hạ tầng tiên tiến cho khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây khu vực châu Á và trên thế giới, được thiết kế để hoạt động như một nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory).

Đề xuất xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tỉ USD tại TP.HCM- Ảnh 1.

Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc, Hà Nội. VN có lợi thế về hạ tầng, nhân lực để thu hút nhà đầu tư data center

Ảnh: Gia Hân

TP.HCM muốn có những mạng lưới logistics chất lượng cao, có những nhà máy thông minh hoạt động hoàn toàn bằng robot, muốn xây dựng một thị trường hoàn toàn bằng công nghệ số mà TTDL lại đặt ở nước ngoài, đường truyền chậm thì không thể làm nổi. TTDL chính là chìa khóa cho tất cả những vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Tập đoàn G42 được thành lập tại UAE từ năm 2018, đến nay đã mở rộng quy mô toàn cầu về giải pháp AI và hạ tầng điện toán đám mây, đang vận hành 24 TTDL với công suất 204 MW, là đối tác ưu tiên của Microsoft và đặt mục tiêu đạt 500 MW tại 6 quốc gia vào năm 2029. Vào VN, G42 dự kiến triển khai AI thông qua các mô hình như đám mây phân tán (Cloud Dividend). Trước đó, cuối năm 2024, Tập đoàn Nvidia đã ký kết thỏa thuận xây dựng Trung tâm nghiên cứu AI và TTDL AI.

Vào năm 2023, trong bài viết về triển vọng phát triển lĩnh vực AI của VN, Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định VN có những kế hoạch đầy tham vọng để dẫn đầu về AI và hy vọng sẽ nằm trong 4 quốc gia hàng đầu ở châu Á về tiến bộ AI. Dẫn nguồn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế tại Canada và Oxford của Anh, tạp chí này khẳng định đây là lần đầu tiên Điểm sẵn sàng cho AI của VN đạt 51,82/100, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72 và giúp VN tăng 14 bậc so với năm trước đó.

Đề xuất xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tỉ USD tại TP.HCM- Ảnh 2.

Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc, Hà Nội. VN có lợi thế về hạ tầng, nhân lực để thu hút nhà đầu tư data center

Ảnh: Gia Hân

Hào hứng với dự án siêu TTDL 2 tỉ USD, chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM) khẳng định đây là nền tảng để TP.HCM có thể thực hiện các mục tiêu như trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm kinh doanh và đổi mới công nghệ hàng đầu châu Á. Bởi về bản chất, TTDL (data center) thường có 3 đặc điểm chính: Thứ nhất là hạ tầng phần cứng (hardware) của các server chủ thực hiện nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu. Thứ hai là hệ thống lưu trữ, khai thác và phân tích dữ liệu cung cấp các dịch vụ cho mọi hoạt động của nền kinh tế hoặc phục vụ xã hội như dữ liệu công dân… Trong thời đại công nghệ số hiện nay, dữ liệu là tài nguyên quý giá, được ví như vàng thì có thể hiểu data center là một kho tài nguyên khổng lồ. Thứ ba là yếu tố liên quan đến chất lượng dịch vụ, cung cấp dịch vụ đầu cuối. Nếu một địa phương hoặc một quốc gia sở hữu TTDL tại chỗ (không phải đặt tại nước ngoài) thì mọi dịch vụ trong nước sẽ chạy nhanh hơn, tích hợp nhanh hơn và dễ dàng nâng cấp lên chất lượng cao hơn. Chưa kể việc sở hữu kho TTDL còn liên quan mật thiết đến an ninh, an toàn quốc gia.

Nhìn chung, một TTDL lớn sẽ là “vùng đất màu mỡ” cho mọi hoạt động sản xuất, lưu thông kinh tế, sự thuận tiện trong đời sống xã hội và an ninh quốc gia. Việc sở hữu TTDL sẽ giúp toàn bộ hoạt động truy cập dịch vụ thuận lợi hơn, đường truyền nhanh hơn, chất lượng dữ liệu tốt hơn và an ninh, an toàn hơn. “TP.HCM muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, không thể thiếu TTDL. Giả sử bạn là giám đốc công nghệ của một ngân hàng quốc tế, khi lựa chọn nơi chia sẻ dữ liệu, server sẽ phải đưa ra rất nhiều tiêu chí. Nếu đường truyền chậm, rủi ro cao rò rỉ dữ liệu thì sẽ không ai dám làm. Hay TP.HCM muốn có những mạng lưới logistics chất lượng cao, có những nhà máy thông minh hoạt động hoàn toàn bằng robot, muốn xây dựng một thị trường hoàn toàn bằng công nghệ số mà TTDL lại đặt ở nước ngoài, đường truyền chậm thì không thể làm nổi. TTDL chính là chìa khóa cho tất cả những vấn đề này”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nhìn nhận.

Sớm có cơ chế cụ thể về quản lý, chia sẻ, thụ hưởng…

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện các nhà đầu tư đề xuất xây dựng siêu TTDL đang gặp một số vướng mắc về pháp lý và cơ chế, do đó TP đề xuất Chính phủ xem xét cho phép áp dụng một cơ chế đặc biệt đối với các dự án có mô hình kinh doanh quốc tế, tương tự như chính sách Singapore đang triển khai.

Đề xuất xây dựng siêu trung tâm dữ liệu tỉ USD tại TP.HCM- Ảnh 3.

Trung tâm dữ liệu giúp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo phát triển, đặc biệt với các lĩnh vực trọng yếu quốc gia. Trong ảnh: Datacenter của CMC tại Tân Thuận, TP.HCM

Ảnh: CTV

Ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, mỗi dự án TTDL với quy mô khác nhau sẽ có thể thực hiện khối lượng nhiệm vụ khác nhau. Với ý tưởng ban đầu TP.HCM có vẻ đang hướng tới việc thành lập TTDL để tập trung khai thác dữ liệu cho các ngành viễn thông, bao gồm cả thương mại điện tử cùng với các dịch vụ tài chính, logistics chất lượng cao. Những ngành này chiếm tới khoảng 20 – 30% GRDP của TP. Vì thế, nếu có thể xây dựng được một TTDL quy mô lớn như vậy thì giá trị kinh tế mang lại sẽ rất cao. Trong bối cảnh các nghị quyết mới của Chính phủ đều quyết tâm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí; cộng với Nghị quyết 98 trao cho TP.HCM nhiều cơ chế đặc thù, đây sẽ là thời điểm rất thuận lợi để TP.HCM xây dựng một TTDL lớn.

TS Phạm Huy Hiệu, giảng viên kỹ thuật và khoa học máy tính (Trường ĐH VinUni), Trưởng ban Nghiên cứu, mạng lưới đổi mới sáng tạo các trường ĐH, cao đẳng VN, cũng cho rằng VN cần đẩy nhanh việc thành lập và phát triển TTDL, nghiên cứu và cung cấp các giải pháp AI. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách tri thức, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo phát triển, đặc biệt với các lĩnh vực trọng yếu quốc gia như y tế, giáo dục, tài chính, giao thông…

Thế nên, bên cạnh các cơ chế hỗ trợ, kích thích đầu tư, Chính phủ cần phải tính toán hết sức cẩn trọng việc bảo mật và quản lý. Theo TS Phạm Huy Hiệu, vấn đề sâu hơn là quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu đó và ai là đối tượng được phép sử dụng. Siêu trung tâm này phải được khai thác ra làm sao, phân quyền cho ai để đẩy mạnh phát triển các giải pháp mới cũng như quyền lưu trữ, chia sẻ dữ liệu… Việc này khá phức tạp bởi dữ liệu tập trung nên tính an toàn phải bảo đảm tuyệt đối. Chẳng hạn, dữ liệu về sức khỏe người dân, hoặc dữ liệu bộ gien của người dân. Thứ hai, phí khai thác dữ liệu đó thế nào, do doanh nghiệp hưởng hay trả về nhà nước; hoặc tính toán tỷ lệ phần trăm hưởng thụ thế nào về khoản phí này… Tất cả phải được xây dựng trên cơ sở pháp lý rõ ràng và những ràng buộc về trách nhiệm khi chia sẻ, sử dụng, quản lý… 

TS Phạm Huy Hiệu lưu ý, VN nên tham khảo sâu cách làm của các nước trong bảo mật, quản lý và chia sẻ dữ liệu… để xây dựng hệ thống pháp lý liên quan TTDL, giải pháp khai thác AI càng sớm càng tốt. Trong đó, chia ra những quy định riêng cho dữ liệu các ngành; nếu các ngành cơ bản, có thể những yêu cầu khắt khe sẽ thấp hơn so với các ngành về y tế, sức khỏe… như đã nói trên.

UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng xem xét ban hành chính sách ưu tiên sử dụng hạ tầng điện toán đám mây thay cho hạ tầng công nghệ thông tin tại chỗ (on-premise), nhằm nâng cao tính bảo mật, đồng bộ tiêu chuẩn an ninh quốc gia. Đồng thời thúc đẩy triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng về chương trình hành động quốc gia phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây giai đoạn 2025 – 2030.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.