Bệnh viện lớn nhất ở TP.HCM rộng 16 ha, 1.500 giường

TP.HCM mới có hơn 14 triệu dân, ngành y tế đã đưa ra nhiều hoạt động trọng tâm đảm bảo để chăm sóc sức khỏe người dân.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 9.7, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói về hệ thống y tế của TP.HCM và phương thức hoạt động trong tình hình mới.

Theo ông, hệ thống y tế TP.HCM mới tăng từ 132 bệnh viện lên có 164 bệnh viện (công và tư, bộ, ngành), 38 trung tâm y tế khu vực, 164 trạm y tế (298 điểm y tế), 11 trung tâm không giường bệnh (sẽ hợp nhất các trung tâm có chức năng tương đương), 110 trung tâm bảo trợ xã hội (15 cơ sở công), 10.627 phòng khám chuyên khoa, 417 phòng khám đa khoa, 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc.

Bệnh viện lớn nhất ở TP.HCM rộng 16 ha, 1.500 giường- Ảnh 1.

Ngành y tế TP.HCM đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân

ẢNH: DUY TÍNH

Số giường bệnh tăng từ 41.000 lên 49.700 (tư nhân chiếm 15%). Như vậy, với hơn 14 triệu dân thì số giường bệnh của TP.HCM mới giảm từ 42 giường bệnh/vạn dân giảm xuống còn 35,1. 

Đây là thách thức lớn mà TP.HCM phải đầu tư.

Điểm đặc biệt là TP.HCM sau hợp nhất có 10 bệnh viện đa khoa lớn. 

Trong đó, Bệnh viện đa khoa Bình Dương là lớn nhất với diện tích 16 ha, quy mô 1.500 giường bệnh, phá vỡ kỷ lục Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (10 ha, 1.000 giường bệnh). Bệnh viện đa khoa Bình Dương hiện đang mua sắm bổ sung, dự kiến đưa vào hoạt  động cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.

Bệnh viện lớn nhất ở TP.HCM rộng 16 ha, 1.500 giường- Ảnh 2.

Bệnh viện đa khoa Bình Dương

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Sở Y tế TP.HCM mới có tổng cộng 251 nhân sự (có 1 giám đốc và 8 phó giám đốc) và có 3 trụ sở. Trụ sở chính ở trung tâm TP.HCM điều hành, chỉ đạo hoạt động và kiểm tra giám sát hoạt động của các trụ sở còn lại. 

Tại trụ sở 2 và 3 (Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ) sẽ tổ chức nhân sự đại diện 5 phòng chức năng liên quan để tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công; tham gia thẩm định cơ sở y, dược, mỹ phẩm; tiếp nhận phản ánh, khiếu nại; kiểm tra, giám sát.

“Công việc sau hợp nhất là quản lý thống nhất, hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng cho hơn 14 triệu dân”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói. 

Theo bác sĩ Nam, để hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải tinh gọn bộ máy, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật và nhân lực cho tuyến dưới. Phối hợp với chính quyền địa phương trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin, ngành y tế thành phố có 13 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, đầu tiên và quan trọng là hoàn thiện tổ chức bộ máy. Ông Dũng nhấn mạnh tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế, trạm y tế; nâng cao năng lực trạm y tế sau hợp nhất nhằm đảm bảo chuẩn hóa chất lượng đầu ra, và mở rộng độ bao phủ dịch vụ y tế ban đầu.

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục khám sức khỏe cho người dân mỗi năm 1 lần và tạo lập dữ liệu sức khỏe cho người dân. Triển khai thống nhất quy trình kiểm soát và giám sát dịch bệnh. Nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới. Đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển y tế chuyên khoa cho đặc khu côn đảo. Mở rộng mạng lưới cấp cứu vệ tinh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng…

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM thống nhất với kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm mà ngành y tế TP.HCM đưa ra. Ông Lộc đánh giá cao việc hoàn thiện tổ chức, sắp xếp bộ máy của ngành y tế gắn liền với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Theo ông Lộc, ngành y tế hiện nay có 5 trụ cột: dự phòng; khám chữa bệnh; cung ứng; chuyển đổi số và y tế thông minh; trẻ em; bảo trợ xã hội.

Ông Lộc đề nghị ngành y tế mới hợp nhất nhanh chóng rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới tất cả những nội dung có tính nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo: quy định, quy chế và quy trình đảm bảo được thông suốt.

Với hệ thống y tế lớn mạnh, nhiều kỹ thuật chuyên sâu và được đầu tư đúng mức, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng kỳ vọng, ngành y tế TP.HCM không chỉ chăm sóc sức khỏe người dân tốt mà còn trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.