Vay 3,5 tỉ đồng từ người lạ không trả được, khi nào mới là lừa đảo?

Trần Thị Phương Thảo bị tòa xử phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì vay 3,5 tỉ đồng, mất khả năng trả nợ. Pháp luật quy định sao về tội này?

Cho người khác vay lại 500 triệu hay 18 tỉ đồng?

Hôm 5.5 vừa qua, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Phương Thảo (43 tuổi) 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải trả cho ông Nguyễn Văn Lượm 3,5 tỉ đồng. Hiện bị cáo đã kháng cáo toàn bộ bản án trên lên TAND cấp cao tại TP.HCM (nay là Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM).

Theo bản án, ngày 23.10.2022, Trần Thị Phương Thảo nhắn tin qua mạng xã hội Zalo với ông Đỗ Thành Tâm hỏi vay 4 tỉ đồng để đáo hạn ngân hàng và hứa khoảng 8 ngày sẽ trả lại. Do ông Tâm không có tiền nên giới thiệu ông Nguyễn Văn Lượm cho Thảo vay tiền. Ngày hôm sau, ông Lượm cùng vợ chồng Thảo đến văn phòng công chứng ký hợp đồng vay 3,5 tỉ đồng, thời hạn 10 ngày, lãi suất 20 triệu đồng.

Cáo trạng cho rằng, sau khi nhận tiền, Thảo không đáo hạn ngân hàng mà cho bà Trần Thị Những vay lại 500 triệu đồng, còn 3 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến nay, Thảo không còn khả năng trả lại số tiền trên.

Quá trình điều tra vụ án, Trần Thị Phương Thảo cho rằng mình không phạm tội.

Vay 3,5 tỉ đồng từ người lạ không trả được, khi nào mới  là lừa đảo?- Ảnh 1.

Bị cáo Trần Thị Phương Thảo cho rằng mình không phạm tội vì bị người khác lừa 18 tỉ đồng nên mới mất khả năng trả nợ

ẢNH: CTV

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Thảo khai chỉ vay tiền của ông Tâm, không quen biết ông Lượm. Bà Trần Thị Những lừa của bị cáo Thảo 18 tỉ đồng, chứ không phải 500 triệu đồng như cáo trạng nêu. Vì thế bị cáo mới mất khả năng trả nợ, bị cáo cũng không sử dụng tiền sai mục đích.

Theo tòa, ông Tâm hẹn bị cáo tại văn phòng công chứng và giao 3,5 tỉ đồng cho vợ chồng bị cáo Thảo cùng ký tên trên hợp đồng vay tiền với ông Lượm, đã được công chứng. Nhận tiền, bị cáo không sử dụng đúng mục đích, không đáo hạn ngân hàng, đem cho bà Những vay 500 triệu đồng.

“Trước đó, bà Những bị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử xong về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có giấy vay nợ 18 tỉ đồng được tách ra giải quyết vụ án khác. Như vậy, số tiền còn lại 3 tỉ đồng, có căn cứ để xác định bị cáo tiêu xài cá nhân, sử dụng bất hợp pháp dẫn đến không còn khả năng chi trả”, bản án sơ thẩm nêu.

Ai là bị hại mới đúng?

Về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối (đưa ra thông tin không đúng sự thật) xảy ra trước khi bị hại giao tài sản cho bên phạm tội (bị cáo). Bị hại tin vào thông tin gian dối này và tự nguyện giao tài sản cho bị cáo, sau đó bị cáo chiếm đoạt. Tức mục đích chiếm đoạt tài sản đã có từ đầu.

Quay trở lại vụ án của bị cáo Thảo: “Theo tôi, vấn đề mấu chốt của vụ án ở đây là xác định rõ ai là bị hại, ông Lượm hay ông Tâm. Việc xác định đúng bị hại có ý nghĩa then chốt để làm rõ hành vi của bị cáo có phải là lừa đảo hay không, nếu có thì còn phải xem mức độ, tính chất của hành vi đó”, luật sư Hoan nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hoan, nếu ông Lượm là bị hại, cần chứng minh được bị cáo đã có hành vi gian dối trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến ông Lượm, khiến ông Lượm tin tưởng và quyết định giao tài sản.

Nếu ông Tâm là bị hại, cần chứng minh được bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối với ông Tâm và ông Tâm đã giao tài sản của mình cho bị cáo. Đồng thời, cần làm rõ việc ông Tâm không thừa nhận tiền của mình, nhưng lại là người trực tiếp giao tiền cho bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung thêm, yếu tố bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phải dùng thủ đoạn gian dối với người khác để họ tự nguyện giao tài sản. Tuy nhiên, vụ án xác định là bị hại là ông Lượm, là người mà bị cáo hoàn toàn không quen biết, và không có bất kỳ giao dịch trực tiếp nào.

“Toàn bộ quá trình từ hỏi vay, thỏa thuận, giao tiền cho đến trả lãi đều chỉ diễn ra giữa bị cáo Thảo và một người thứ ba là ông Đỗ Thành Tâm. Vậy câu hỏi đặt ra là bị cáo Thảo đã cung cấp thông tin gian dối cho ông Lượm bằng cách nào, khi giữa họ không hề có sự tương tác, trao đổi nào về việc vay tiền? Đây là một mâu thuẫn cốt lõi mà bản án dường như chưa giải quyết thấu đáo”, luật sư Hậu nêu.

Hợp đồng vay tiền như thế nào để tránh rủi ro?

Để tránh rủi ro, luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý bên cho vay, thứ nhất cần phải tìm hiểu thật kỹ về thông tin nhân thân cũng như khả năng tài chính của bên vay. Đừng quá tin vào các mối quan hệ xã hội, hay những lời hứa hẹn lãi suất cao.

Thứ hai, phải luôn luôn lập hợp đồng vay tiền bằng văn bản, dù bên vay có là người thân quen đến mấy. Hợp đồng cần ghi thật chi tiết số tiền, lãi suất, thời hạn trả, phương thức thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng nhằm lưu giữ đầy đủ lịch sử nhận nợ và có đủ chữ ký các bên.

Thứ ba, phải có tài sản bảo đảm, có thể là sổ đỏ, giấy tờ xe, hoặc tài sản khác đứng tên của người vay. Các bên cần chính thức ký kết hợp đồng thế chấp và mang đi công chứng, đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.

Cuối cùng, và cũng là một điểm quan trọng không kém chính là thoả thuận về lãi suất. Quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép lãi suất tối đa là 20%/năm. Nếu cho vay cao hơn, bên cho vay không chỉ có thể mất phần lãi đó mà còn có nguy cơ bị truy cứu hình sự về “tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” tại điều 201 bộ luật Hình sự.

Còn đối với bên vay tiền, để tự bảo vệ mình và tránh vướng vào rắc rối, trước tiên cần phải minh bạch về mục đích vay và có kế hoạch trả nợ thực tế. Cần phải có trách nhiệm đối với những giao dịch mà bản thân đã ký kết, không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn để không bị vướng vào vòng lao lý.

Đặc biệt, tuyệt đối bên đi vay không nên đứng tên vay tiền hộ người khác.

Cũng theo luật sư Hậu, bên vay tiền phải giữ lại bản gốc của hợp đồng vay và tất cả các bằng chứng trả nợ. Trong trường hợp khó khăn, hãy chủ động làm việc với bên vay để tìm cách thương lượng giải quyết.

Trong các giao dịch có nhiều bên tham gia (như trường hợp ông Lượm, ông Tâm và bị cáo Thảo), cần xác định rõ vai trò của từng bên (bên cho vay, bên vay, bên bảo lãnh, bên trung gian…) và ghi rõ ràng trong hợp đồng để tránh tranh chấp về sau.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.