Những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, những dự án quy mô lớn nhất lịch sử đều được chủ động triển khai bằng nội lực, mang đến kỳ vọng VN có thể không còn phụ thuộc vào các khoản vay ưu đãi nước ngoài.
Lần lượt thoát ODA
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quyết định về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP.HCM (metro Bến Thành – Tham Lương).

Chủ trương giảm hoặc ngưng sử dụng vốn ODA trong xây dựng hệ thống metro được cho là có thể giúpcải thiện tình trạng không thống nhất hệ thống kỹ thuật
ẢNH: NHẬT THỊNH
Đáng nói, từ vị thế là nguồn lực chính để triển khai các tuyến metro của TP.HCM, việc dừng sử dụng vốn vay ưu đãi giờ lại giải quyết điểm nghẽn lớn đang ảnh hưởng tới kế hoạch khởi công các gói thầu chính của tuyến metro số 2 vào cuối năm nay.
Lãnh đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết các khoản vay từ 3 đối tác quốc tế gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) dành cho tuyến metro số 2 đều đã hết hạn do tiến độ dự án bị kéo dài trong nhiều năm. TP.HCM đã xác định sẽ sử dụng vốn ngân sách để triển khai thực hiện dự án. Vì thế, thời gian qua, TP.HCM liên tục đề xuất được tiến hành các thủ tục để dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án, điều chỉnh sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhằm triển khai theo Nghị quyết số 188 của Quốc hội.
Metro số 2 là điển hình cho chủ trương chuyển hướng nguồn vốn của TP.HCM. Giai đoạn trước, hầu hết các tuyến metro mà thành phố triển khai đều sử dụng vốn vay ODA. Trong đó, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.757 tỉ đồng, được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 38.265 tỉ đồng, vốn đối ứng 5.492 tỉ đồng. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 – giai đoạn 1 theo kế hoạch trước đó cũng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của ADB, KfW, EIB và chính phủ Tây Ban Nha.
Lãnh đạo MAUR đánh giá việc sử dụng vốn vay ODA kéo theo rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải ngân, khiến các dự án liên tục rơi vào tình trạng chậm trễ, chạy lòng vòng hơn thập niên vẫn “tắc”. Việc này không chỉ kéo dài thời gian thực hiện mà còn đẩy trần nợ công lên cao. Chưa kể, việc các tuyến metro trên cả nước thời gian qua đều dựa hoàn toàn vào vốn vay, kỹ thuật nước ngoài dẫn tới tình trạng mỗi tuyến theo “kiểu” của một nước, không thống nhất hệ thống kỹ thuật, không có cơ chế tự chủ, không có lan tỏa đầu tư. Do đó, TP.HCM đã chủ trương cho MAUR nghiên cứu thực hiện các tuyến tiếp theo theo nhiều hình thức huy động vốn đa dạng, bắt đầu từ tuyến số 2.
“Hiện nay điều 4 của Nghị quyết 188 đã tháo gỡ phần nào để đơn giản hóa các thủ tục về phía VN. Do vậy, nếu có những điều khoản cho vay thuận lợi, nguồn vốn này cũng là một kênh huy động tốt, đặc biệt là vay trong giai đoạn đầu để đầu tư các gói thầu liên quan đến đoàn tàu – hợp phần mà doanh nghiệp (DN) chúng ta chưa chủ động được”, lãnh đạo MAUR thông tin thêm.
Không chỉ metro, trong những năm gần đây, nhiều dự án lớn của nhiều địa phương cũng đang dần thoát vốn vay ODA. Điển hình hồi năm 2022, tính đến hết tháng 8 có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỉ đồng. Thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết thì việc trả lại hàng nghìn tỉ đồng vốn ODA là một nghịch lý. Song, các địa phương vẫn “một mực” xin trả lại vốn vay do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có địa phương xin điều chuyển chủ yếu do dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Tuy nhiên, chiếm phần lớn khoản tiền xin hoàn trả là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy giải ngân vốn ODA thời gian qua đạt tốc độ thấp. Giai đoạn 2021-2024 chỉ đạt 52%/năm; 4 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 4,6%, rất thấp, trong khi mức trung bình giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của cả nước là khoảng 8%.
Vẫn là kênh huy động vốn quan trọng
Với thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là đã đến lúc VN “tốt nghiệp ODA” được hay chưa. Nhìn vào nguyên nhân dẫn tới điểm nghẽn của các dự án sử dụng vốn ODA có thể thấy lỗi chủ quan cũng rất lớn. Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Từ quy trình thủ tục triển khai dự án ODA đến quá trình triển khai, từ khâu giải phóng mặt bằng đến các bước triển khai dự án, năng lực, trách nhiệm của cán bộ đều có những hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt là giải ngân vốn ODA, bị chậm.

TP.HCM chủ trương thực hiện tất cả các tuyến metro còn lại bằng nguồn vốn ngân sách hoặc huy động xã hội hóa, không sử dụng vốn vay ODA
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trong phiên họp mới nhất với các tổ công tác, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định nguồn vốn ODA đã giúp VN rất nhiều trong quá trình phát triển. Việc chúng ta thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs) trước thời hạn cũng phần nhiều là nhờ nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, Chính phủ xác định muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới, cần phải sử dụng hiệu quả vốn ODA. Các nguồn lực trong xã hội là quyết định, là chiến lược, là cơ bản lâu dài, nhưng huy động nguồn lực bên ngoài cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong những ngành, lĩnh vực chúng ta còn chưa đủ trình độ khoa học công nghệ để triển khai.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM) đánh giá: Thời gian qua, các dự án ODA triển khai thường bị chậm tiến độ, do thủ tục tương đối phức tạp, quy định chặt chẽ, kèm theo nhiều ràng buộc. Trong khi giai đoạn cần tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh như hiện nay đòi hỏi các dự án phải triển khai nhanh, thậm chí thần tốc, rút ngắn được tiến độ. Yêu cầu đó đòi hỏi cơ quan nhà nước đã và đang ban hành rất nhiều quy định cởi mở về chính sách trên tinh thần cải cách thủ tục, triển khai dễ dàng, minh bạch. Đi cùng đó là sự quyết liệt từ phía chính quyền trong công tác thực hiện bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, gỡ bỏ các rào cản về thủ tục, hành chính. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định thu hút sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, cụ thể là các DN tư nhân vào các dự án lớn. Mặt khác, DN trong nước ngày càng lớn mạnh, nguồn lực và kinh nghiệm đều phát triển nhanh, đủ điều kiện thực hiện các dự án vốn lớn, kỹ thuật phức tạp.
Tuy nhiên, không phải các DN sẵn sàng tham gia các dự án lớn trong nước nghĩa là họ đã chuẩn bị đầy đủ về nguồn vốn. Ngay cả tập đoàn mạnh như Vingroup nếu được làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam cũng cần sự hậu thuẫn về nguồn vốn của Chính phủ. Điều đó có nghĩa là chính quyền từ T.Ư tới địa phương cần tận dụng mọi nguồn vốn cần cho đầu tư phát triển, trong đó vốn ODA vẫn là kênh đầu tư quan trọng, nhất là với các dự án lớn và cực lớn. Đơn cử như các dự án phát triển xanh, phát triển bền vững có vốn đầu tư hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, việc trông chờ vào thu ngân sách hoặc nguồn lực từ DN trong nước là khó khả thi. Các nước đang phát triển vẫn phải dựa vào các nước phát triển để thực hiện các dự án xanh, dự án bền vững quy mô lớn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Trưởng ngành quản trị kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) nhận định trong bối cảnh nguồn thu ngân sách tăng và khu vực tư nhân đang phát triển năng động, nhiều người kỳ vọng có thể nhanh chóng thay thế vốn ODA. Nhưng thực tế rất khó thực hiện trong thời gian ngắn. ODA không chỉ là nguồn tài chính ưu đãi lãi suất thấp, mà còn gắn với chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và các cam kết hợp tác chiến lược dài hạn với đối tác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, y tế và biến đổi khí hậu có quy mô đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, lợi nhuận tài chính thấp nên không hấp dẫn khu vực tư nhân thuần túy, dù thể chế có khai phóng hơn. Ngân sách nhà nước tuy cải thiện nhưng vẫn phải ưu tiên chi thường xuyên, an sinh và trả nợ, chưa đủ dư địa thay thế toàn bộ vai trò của ODA.
Vay chủ động và có chọn lọc
Theo các chuyên gia kinh tế, khi đa dạng được nhiều nguồn huy động vốn thì sẽ không còn lệ thuộc vào vốn vay ưu đãi nước ngoài. Khái niệm “không lệ thuộc” được GS-TS Võ Xuân Vinh lý giải: Đầu tiên thể hiện qua số lượng đối tượng dự án cần vốn vay giảm đi. Nếu như trước đây các dự án hạ tầng trọng điểm như metro, đường sắt xác định phải phụ thuộc vốn vay nước ngoài thì giờ đã có thể chủ động nguồn lực nội. Bên cạnh đó, VN có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ nhiều nước khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào 1 – 2 nước như trước đây. Đặc biệt, chúng ta sẽ có quyền lựa chọn những dòng vốn vay nào phù hợp nhất.
“Trước đây, Nhật Bản khi cho VN vay vốn làm các dự án metro, họ sẽ ràng buộc nhiều điều kiện như sự tham gia của các nhà thầu Nhật, sử dụng công nghệ của Nhật, DN của Nhật. Hiện nay, khi nguồn lực của ta mạnh hơn thì cũng sẽ có nhiều quốc gia sẵn sàng cho vay, nhiều nhà đầu tư tiếp cận. VN sẽ có thêm lựa chọn nguồn vốn nào ít ràng buộc nhất, thuận lợi nhất cho dự án thành công. Song song, phía VN cũng cần giải quyết những rào cản như cải thiện thủ tục hành chính, có thêm các cơ chế hỗ trợ và công tác giải phóng mặt bằng”, GS-TS Võ Xuân Vinh nói.
Ông Trần Anh Tùng dẫn chứng: Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là điển hình về triển khai thành công nhiều dự án hạ tầng giao thông và cải thiện đô thị bằng vốn ODA từ Nhật Bản. Đặc biệt là dự án tàu điện ngầm Jakarta (MRT) – công trình trọng điểm giúp giảm ùn tắc và thu hút đầu tư tư nhân. Bí quyết ở đây là xác định ưu tiên chiến lược rất rõ ràng, tập trung vào hạ tầng giao thông đô thị, năng lượng sạch và quản lý thiên tai, tránh đầu tư dàn trải. Chính phủ Indonesia đã thành lập Ủy ban Điều phối Đầu tư và các đơn vị chuyên trách trong Bộ Tài chính để giám sát tiến độ, xử lý nhanh thủ tục giải ngân. Cụ thể, dự án lớn như MRT được chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật và đánh giá tác động xã hội bài bản ngay từ đầu, rút ngắn thời gian phê duyệt. Cuối cùng, chính là mối quan hệ đối tác ổn định với JICA, Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB giúp Indonesia duy trì điều kiện vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện và giảm rủi ro phát sinh chi phí.
Từ bài học của Indonesia, chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng kiến nghị vốn ODA của VN cũng cần chuyển từ phụ thuộc sang chủ động chọn lọc. Thay vì coi ODA là nguồn vốn duy nhất để tài trợ hạ tầng lớn, VN nên xác định ODA là công cụ bổ trợ chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực khó huy động vốn tư nhân như biến đổi khí hậu, y tế công cộng. Cần ưu tiên dự án thực sự cấp thiết, có tác động lan tỏa và bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội rõ ràng, tránh sử dụng ODA cho các công trình “phong trào” kém hiệu quả.
“VN nên chủ động đàm phán điều kiện vay, gắn trách nhiệm chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nội địa hóa sản xuất thiết bị, thay vì chỉ tập trung vào chi phí lãi suất thấp. Việc lựa chọn nguồn vay nên hướng tới đa dạng hóa đối tác, kết hợp các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc với tổ chức đa phương như ADB, WB để tối ưu lãi suất và điều kiện hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng là điều kiện vay phải tương thích năng lực quản lý dự án trong nước, không tạo gánh nặng trả nợ quá lớn và đảm bảo minh bạch trong quy trình phê duyệt”, ông Trần Anh Tùng gợi ý.
Định hướng của chúng ta tới đây là tập trung vào những dự án có nguồn vốn vay ODA lớn, ưu đãi cao, thời gian thực hiện ngắn và cắt giảm các thủ tục hành chính, trong đó chú trọng các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, đường không, biến đổi khí hậu… Cần xây dựng một số dự án trọng điểm mà VN cần để làm việc luôn với các đối tác.
Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021 – 2024 là 3.316,59 triệu USD. Năm 2025, các đơn vị đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết mới các hiệp định vay, trong đó, 4 tháng đầu năm đã hoàn thành đàm phán để có thể ký kết ngay với tổng trị giá vay 413,84 triệu USD cho 5 dự án và ký 3 hiệp định khung với Đức, Áo và Tây Ban Nha cho giai đoạn 2025 – 2030. Đến nay, đã cơ bản thống nhất với các đối tác phát triển để có thể ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cho 23 dự án và 1 khoản vay cho hỗ trợ ngân sách (vay Chính phủ Nhật Bản). Tổng số dự kiến có thể hoàn thành ký kết hiệp định, thỏa thuận vay trong năm 2025 khoảng 1.476 triệu USD.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.