Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM

Nhiều chung cư, cư xá cũ xây dựng trước năm 1975 tại TP.HCM đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Nhiều khu nhà có hệ thống điện chằng chịt, lối thoát hiểm bị bịt kín, tầng trệt bị lấn chiếm, người dân sống trong nỗi lo thường trực nhưng vẫn chưa có phương án di dời cụ thể.

Dạo quanh một số chung cư cũ tại TP.HCM như chung cư Hùng Vương (Q.5 cũ), 137 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình cũ), Sơn Kỳ (Q.Tân Phú cũ) hay cư xá Vĩnh Hội (Q.4 cũ), dễ dàng phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 1.

Xe máy đậu kín tầng trệt, lối thoát nạn ở chung cư Hùng Vương

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Theo đó, cảnh tượng xe máy đậu kín lối thoát nạn tầng trệt, dây điện giăng mắc như mạng nhện, ban công bị bao kín bởi khung sắt, vật dụng sinh hoạt cơi nới lộn xộn và các tầng trệt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, tập kết phế liệu, xe máy hỏng… Tất cả tạo nên một “mồi lửa” nguy hiểm giữa lòng đô thị đông đúc.

Tại chung cư Hùng Vương, Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng hàng trăm xe máy đậu kín lối thoát nạn và tầng trệt. Trong khi đó, các cửa ra vào bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, tủ lạnh, máy giặc, bàn thờ… là những nguồn sinh nhiệt vô cùng nguy hiểm. Sau phản ánh, các cơ quan chức năng mời chủ hộ lên xử phạt, nhưng sau đó lại đâu vào đấy.

Tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt, từng được xếp loại D – mức nguy hiểm cao nhất – từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch di dời cụ thể. Những lối đi chung bị bịt kín bởi rác thải, xe cũ, quầy bán hàng. Hệ thống dây điện lộ thiên quấn quanh tường, treo lơ lửng khắp hành lang, nhiều đoạn đã bong tróc lớp bảo vệ.

Tình trạng tương tự diễn ra tại chung cư Sơn Kỳ, nơi hàng chục căn hộ bị bịt kín bởi “chuồng cọp” và các tấm bạt, dàn cây trồng sát ban công – những vật liệu dễ bắt lửa nếu xảy ra chập điện. Tầng trệt của tòa nhà bị lấn chiếm bởi hàng quán, xe đẩy, bếp nấu… khiến lối thoát hiểm bị thu hẹp nghiêm trọng. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận kịp thời.

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 2.

Toàn bộ tầng trệt chung cư Hùng Vương dùng để đậu xe máy, như một “quả bom lửa”

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn thành phố hiện có hơn 470 chung cư cũ xây trước năm 1975, trong đó có 14 chung cư thuộc cấp D – hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn kết cấu và phòng cháy chữa cháy. Dù đã nhiều lần được cảnh báo, đến nay phần lớn các công trình này vẫn đang trong tình trạng chưa được xử lý dứt điểm.

Trước đó, đêm 6.7, cư xá Độc Lập (Phường Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú cũ) xảy ra hỏa hoạn, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Đám cháy bùng phát dữ dội tại tầng trệt, nơi có nhiều vật dụng dễ cháy. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do chập điện do người dân tự đấu nối.

Ngay sau vụ việc, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành chỉ đạo khẩn, yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát toàn bộ khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư cũ, nhà trọ, nhà trong hẻm nhỏ để có phương án đảm bảo an toàn PCCC.

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 3.

“Chuồng cọp” tại chung cư Sơn Kỳ

ẢNH: CTV

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 4.

Bên trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt, xe máy, rác thải chất đống

ẢNH: CTV

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 5.

Xe máy, máy lạnh, lò nấu, quần áo, bàn ghế, mô tưa… để chung một chỗ trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt

ẢNH: CTV

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 6.

Bên trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt, đường dây điện chằng chịt

ẢNH: CTV

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 7.

Chung cư xuống cấp, dây điện đấu nối chằng chịt

ẢNH: CTV

Nguy cơ cháy nổ cao ở các chung cư cũ TP.HCM - Ảnh 8.

“Chuồng cọp” tại cư xá Độc Lập, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm

ẢNH: CTV

TP.HCM cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, vận động người dân trang bị thiết bị cứu hộ, đồng thời khuyến khích thành lập tổ chữa cháy liên gia, tổ chữa cháy lưu động tại các khu vực nguy cơ cao.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.