Biết người khác phạm tội nhưng vẫn bao che cho hành vi đó là có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm.
Liên quan tình huống biết người khác phạm tội nhưng vẫn bao che cho hành vi đó, luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết hành vi trên có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm theo điều 389 bộ luật Hình sự, hoặc tội không tố giác tội phạm theo điều 390 bộ luật Hình sự, tùy thuộc vào các yếu tố cụ thể của hành vi che giấu và loại tội phạm bị che giấu.
Trước tiên, cần phân biệt rõ dấu hiệu nhận biết giữa hành vi che giấu tội phạm và hành vi không tố giác tội phạm.
Che giấu tội phạm là việc người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Không tố giác tội phạm là việc biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.

Biết người khác phạm tội nhưng vẫn bao che cho hành vi đó là có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm.
ẢNH: MINH HỌA
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Tội che giấu tội phạm theo điều 389 bộ luật Hình sự
Mặt khách thể: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm và người phạm tội.
Mặt chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên). Ngoại trừ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm theo khoản 2 điều 18 bộ luật Hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại điều 389 bộ luật Hình sự.
Mặt khách quan: Người phạm tội biết rõ một tội phạm đã được thực hiện, không có sự hứa hẹn trước với người phạm tội về việc sẽ che giấu (nếu có hứa hẹn trước thì có thể trở thành đồng phạm) và thực hiện một trong các hành vi sau khi tội phạm đã được thực hiện:
- Che giấu người phạm tội (ví dụ: cho ở nhờ, cung cấp phương tiện bỏ trốn).
- Che giấu dấu vết của tội phạm (ví dụ: xóa dấu vân tay, dọn dẹp hiện trường).
- Che giấu tang vật của tội phạm (ví dụ: cất giữ tài sản do phạm tội mà có, tiêu hủy công cụ phạm tội).
- Có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội (ví dụ: cung cấp thông tin sai lệch cho cơ quan điều tra).
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là che giấu tội phạm, cản trở hoạt động tư pháp và mong muốn thực hiện hành vi đó.
Tội không tố giác tội phạm theo điều 390 bộ luật Hình sự
Mặt khách thể: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm và người phạm tội.
Mặt chủ thể: Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên). Ngoại trừ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, nhưng phải tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Mặt khách quan: Người phạm tội biết rõ về hành vi tội phạm đã xảy ra, đang được thực hiện hoặc đang được chuẩn bị, nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Điều này có thể xảy ra trong những trường hợp như là nhân chứng hoặc người biết về tội phạm nhưng không thông báo cho cơ quan điều tra hoặc không cung cấp thông tin về tội phạm.
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là không tố giác tội phạm, và họ có mục đích giúp đỡ người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm.
Thực tiễn xét xử
Theo nội dung bản án hình sự sơ thẩm số 23/2022/HS-ST ngày 8.7.2022 của TAND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Rạng sáng 11.8.2021, N.V.C đã hủy hoại tài sản bằng cách dùng xăng đốt ô tô nhãn hiệu Mazda của anh P.H.H tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi, C. bỏ trốn.
M.V.H biết rõ hành vi của C., chở C. đến hiện trường và chứng kiến việc đốt xe. Tuy nhiên, sau khi tội phạm được thực hiện, H. không tố giác mà tiếp tục có hành vi bao che, che giấu tội phạm. H. đã chở C. tẩu thoát, dặn dò người thân không khai báo về việc cho C. mượn xe máy trước đó.
Hơn nữa, khi biết cơ quan công an đang truy tìm phương tiện gây án, H. còn giúp C. tháo dỡ bộ phận xe máy để thay đổi đặc điểm nhận dạng, cản trở việc điều tra.
Sau khi nhận thức được hành vi của mình, M.V.H. đã đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Ngày 8.10.2021, H. bị cơ quan công an bắt giữ, bị Viện KSND huyện Nga Sơn truy tố về tội che giấu tội phạm theo điều 389 bộ luật Hình sự.
H. bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên, với lý do đầu thú và thành khẩn khai báo.
Luật sư Nguyễn Đình Thế cho rằng, hành vi biết người khác phạm tội nhưng bao che hoặc không tố giác có thể bị xử lý hình sự theo điều 389 và 390 bộ luật Hình sự. Việc phân biệt rõ giữa hai tội danh này là cần thiết để áp dụng đúng quy định pháp luật, bởi mỗi hành vi có tính chất, mục đích và mức độ nguy hiểm khác nhau.
“Thực tiễn xét xử cho thấy, pháp luật không chỉ nghiêm minh mà còn nhân văn khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ như đầu thú, khai báo thành khẩn. Đây là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai có ý định tiếp tay hoặc che giấu hành vi phạm tội”, luật sư Thế nêu ý kiến và cho rằng vụ án trên là một ví dụ cụ thể về hành vi che giấu tội phạm, thể hiện rõ việc một người dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã có hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra và xử lý người phạm tội.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.