Những kỹ năng cần có để không bị sốc trước đề thi mới

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhiều thí sinh cảm thấy sốc, choáng khi nhận đề thi môn toán và tiếng Anh dù năng lực thực sự có thể không yếu. Chưa nói đến mức độ khó của đề thi, nhiều chuyên gia lý giải việc sốc trước đề thi còn đến từ nguyên nhân khác.

QUEN VỚI NHỮNG NỘI DUNG NGẮN, DỄ HIỂU TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Thạc sĩ truyền thông Phạm Công Nhật, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định thực tế vẫn có những thí sinh (TS) có tư duy và kỹ năng tự học, kỹ năng đọc hiểu tốt thì không “choáng” hay “sốc” trước một đề thi dài hoặc dù đề thi có thêm yếu tố khó.

Thạc sĩ Nhật lý giải: “Gen Z ngày nay bị cuốn vào những video ngắn trên mạng xã hội, chỉ 15 – 30 giây với những hình ảnh bắt mắt, nội dung đơn giản, dễ hiểu và mang tính giải trí chứ không cần suy nghĩ, tư duy sâu xa để hiểu. Xem những nội dung như vậy trong một thời gian dài, não sẽ lười nhác, không cần tập trung, không cần kiên nhẫn và không cần xử lý thông tin… nên dần trở nên yếu. Điều đó cực kỳ nguy hại đến khả năng tập trung, vận động trí óc, kiên nhẫn, tư duy sâu… Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều TS vừa nhìn thấy đề tiếng Anh và đọc sơ qua đã cảm thấy choáng, sốc, mất tinh thần vì não không có thói quen tiếp nhận và xử lý thông tin trước một nội dung dài. Trước đó, trong quá trình học ôn, các em cũng quen với những đề thi ngắn hơn, dễ hơn”.

Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, đánh giá đề thi tiếng Anh năm nay có nhiều thử thách với TS trước hết về mật độ chữ dày và nhiều từ lạ, làm cho TS lúng túng. Ngoài ra, thời gian chuẩn bị và thích nghi với dạng đề mới của TS còn hạn chế cũng là một lý do.

Những kỹ năng đọc hiểu cần thiết để vượt qua đề thi mới không bị sốc - Ảnh 1.

Đề thi tốt nghiệp THPT chương trình giáo dục phổ thông 2018 tập trung vào kỹ năng vận dụng và giải quyết vấn đề thực tiễn

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

“Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân sâu xa chính là những nội dung ngắn trên mạng xã hội mà các em thích thú xem, đã gây ảnh hưởng đến độ kiên nhẫn trong việc tiếp thu các nội dung dài, cả về văn bản lẫn hình ảnh hay âm thanh. TS có xu hướng kỳ vọng rằng nội dung trước mặt mình sẽ ở mức ngắn “vừa đủ” để có thể lĩnh hội trọn vẹn. Trong khi thực tế nội dung mà TS tiếp xúc lại đa dạng về độ dài, độ phức tạp, tính đa nghĩa, có khi lại đậm chất chuyên ngành… nên các em thấy sốc và mất tập trung”, thạc sĩ Hữu nhận định.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, TP.HCM, cho rằng có 3 lý do chính khiến nhiều TS cảm thấy “sốc” với một số đề thi năm nay. Thứ nhất, đề thi năm nay không chỉ kiểm tra kiến thức sách giáo khoa, mà đặt nặng khả năng ứng dụng, phân tích, tư duy linh hoạt – điều này khiến nhiều em cảm thấy lạ lẫm và bị động, vì lâu nay quen học theo lối học thuộc – luyện đề mẫu. Thứ hai, cấu trúc đề có sự thay đổi, đặc biệt là cách đặt câu hỏi không giống cấu trúc cũ, khiến TS cảm thấy như đang bước vào một “trận địa xa lạ”. Thứ ba, là yếu tố tâm lý: TS gen Z vốn rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng cảm xúc. Khi thấy đề “khác với dự đoán”, một số em mất bình tĩnh, không đủ thời gian thích nghi, dẫn đến cảm giác “hoang mang” và “bị sốc”, dù năng lực thật sự có thể không yếu.

Thầy Đức Anh lý giải: “Hiện tượng “tua nhanh – lướt nhanh – chán nhanh” đang trở thành thói quen tiếp nhận phổ biến của gen Z. Điều này ảnh hưởng rõ rệt tới năng lực đọc hiểu, cụ thể là giảm khả năng tập trung dài hạn. Khi quen với việc xem clip vài giây trên mạng xã hội, não bộ sẽ khó duy trì sự chú ý khi đọc một đoạn văn dài hay giải quyết một bài toán phức tạp. Các em cũng sẽ thiếu kiên nhẫn trong xử lý thông tin sâu. Thay vì đào sâu, phân tích, nhiều bạn trẻ chỉ đọc lướt tiêu đề dễ dẫn đến hiểu sai hoặc phiến diện. Tiếp đến là ảnh hưởng đến khả năng phản biện và tư duy logic vì mạng xã hội thường cung cấp thông tin nhanh, dễ dãi, không cần tư duy. Đây là một nguy cơ thật sự cho quá trình phát triển trí tuệ và nhân cách của người trẻ nếu không được điều chỉnh”.

Những kỹ năng cần có để không bị sốc trước đề thi mới - Ảnh 1.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đổi mới theo Chương trình GDPT 2018

ảnh: Tuấn Minh

RÈN KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU, TƯ DUY PHẢN BIỆN, KHẢ NĂNG TỰ HỌC

Theo thầy Đức Anh, từ năm 2025, đề thi ra theo hướng vận dụng thực tế, thay đổi từ “học thuộc” sang “học để hiểu và vận dụng” là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra thách thức kép.

“Về phía người dạy, cần thay đổi từ phương pháp truyền đạt một chiều sang hướng dẫn học sinh (HS) tư duy, khám phá, phản biện, hợp tác. Giáo viên không còn là “người thuyết trình” mà là “người khơi gợi và dẫn đường”. Đây là một quá trình gian nan, đòi hỏi bản thân thầy cô cũng phải liên tục học tập, cập nhật”, thạc sĩ Đức Anh cho hay.

Về phía người học, thầy Đức Anh cho rằng thói quen lướt mạng xã hội, sống trong thế giới ảo khiến nhiều HS mất kết nối với đời sống thật. Khi đề thi yêu cầu phản ánh thực tiễn về các vấn đề xã hội, môi trường, đạo đức, giáo dục…, các em trở nên lúng túng vì thiếu trải nghiệm sống và kiến thức thực tế.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Phạm Công Nhật cho rằng một trong những kỹ năng yếu nhất ở giới trẻ là tư duy phản biện. “Khi cuộc sống ngày càng đơn giản và tiện lợi thì kỹ năng tự học, kỹ năng sống cũng thui chột. Cần gì là lên hỏi ChatGPT khiến não không hoạt động, lâu dài không thể tư duy sâu. Trường học cần tạo cơ hội cho HS được thể hiện suy nghĩ, thói quen phản biện từ bậc tiểu học, dạy các em kỹ năng tự học. Đồng thời cần đánh động cho các em về ảnh hưởng của mạng xã hội đến việc phát triển tư duy”, thạc sĩ Công Nhật cho hay.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu thì cho rằng thay vì chỉ đơn thuần diễn giải nội dung truyền đạt trong sách giáo khoa, các buổi học nên tập trung vào việc khai thác khía cạnh thực tế có liên quan, thông qua các thông tin từ nguồn tin cậy trên internet, sách báo, tạp chí…, kết hợp cùng tư duy phản biện. Trong đó, giáo viên là người chủ động định hướng và HS sẽ là người chủ động tìm kiếm, tổng hợp thông tin, trình bày và thảo luận dưới vai trò dẫn dắt của giáo viên.

Thạc sĩ Thế Hữu khuyên: “Để phát triển kỹ năng đọc hiểu, HS nên tập làm quen với các bài đọc có lượng từ dài, mức độ phức tạp nhất định, và với các chủ đề mang tính thời cuộc. Ngoài ra, các bạn, cùng với thầy cô, có thể “điểm” qua một số chủ đề trong các chuyên ngành có thể gặp trong bậc ĐH. Việc này vừa giúp các bạn có sự chuẩn bị nhất định cho bài thi, đồng thời gợi hứng thú cho việc tìm hiểu sâu về chuyên ngành, cũng như tăng tính tò mò, khám phá hữu ích cho nghiên cứu khoa học ở bậc ĐH sau này của các bạn”.

Không nên ôn kiểu luyện đề, cần hạn chế lướt mạng xã hội

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, P.Long Thuận, Đồng Tháp (TP.Gò Công, Tiền Giang cũ), nhìn nhận dạy cho HS kỹ năng đọc hiểu rất quan trọng, từ đó có thể giải quyết những vấn đề được đặt ra trong đề thi một cách bình tĩnh, sáng suốt, tránh rơi vào trạng thái “sốc”, mất tinh thần ngay từ đầu. Không chỉ đề thi môn văn mà các môn toán, lý, tiếng Anh… từ nay cũng sẽ đòi hỏi TS vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế.

“Cách dạy truyền thống sẽ không còn phù hợp. Giáo viên cần chủ động hướng dẫn HS kỹ năng tự học. Trường, trung tâm cũng không nên ôn theo kiểu luyện đề vì luyện đề sẽ đánh mất khả năng tư duy của người học và cũng không còn phù hợp khi đề thi đã đổi mới. Về phía HS, các em cần nhận thức được tác động tiêu cực của việc lướt TikTok, Facebook quá nhiều, nó ảnh hưởng tới tư duy, khả năng tập trung, sự kiên nhẫn. Các em cũng cần đọc báo, quan tâm tới các vấn đề thời sự, các hoạt động đang diễn ra xung quanh, tập thể hiện quan điểm… Những TS có kỹ năng đọc hiểu, có sự hiểu biết xã hội… sẽ giải quyết đề thi dễ dàng hơn”, thạc sĩ Thanh Hải nhận định.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.